Ngày 21/2, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, “nhiều người, đặc biệt là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, đều nói là nông nghiệp của chúng ta không chỉ đủ ăn, có thể làm giàu được. Đó chính là cơ hội, niềm tin mới của chúng ta để phát triển mạnh mẽ một số sản phẩm, đặc sản thế mạnh rất đa dạng ở từng địa phương”.
Đây là hội nghị quan trọng vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, sau Hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và đánh giá cao những thành tựu vượt bậc của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Thủ tướng cũng cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn dư địa rất lớn. Lãng phí và thất thoát lớn trong nông nghiệp vẫn còn cao do các khâu chế biến, thu hoạch, bảo quản.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản tươi là rất cần thiết, nhưng chế biến sâu càng quan trọng hơn nhằm gia tăng giá trị, tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế tối đa việc được mùa rớt giá.
Việc cơ giới hóa được xem là khâu quan trọng để chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp – nông thôn và tái cơ cấu nông nghiệp, do vậy Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa sản xuất, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu cần tiếp tục tìm kiếm thị trường, phát triển mạnh mẽ các sản phẩm có thế mạnh.
Về tín dụng, thực hiện kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho vay. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất giống, sản xuất máy móc, thiết bị; có giải pháp giảm chi phí, giá thành sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với đó cần xây dựng thương hiệu nông sản, từ đó có thể quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn, “chứ bây giờ làm nhỏ lẻ thì không ăn thua, bởi muốn vào siêu thị lớn, trung tâm lớn, xuất khẩu lớn thì quy hoạch vùng nguyên liệu rất quan trọng”.
Do đó, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý về chính sách tích tụ ruộng đất và cho biết, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một nghị quyết về chính sách đất đai trong nông nghiệp.
Với tầm nhìn đến năm 2030, để đạt được các mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính Phủ yêu cầu cần xây dựng các giải pháp với chiến lược phát triển. Các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng các chương trình, giải pháp để phục vụ các mục tiêu phát triển về kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp nói riêng…
Sau hội nghị, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu, soạn thảo và trình Thủ tướng chỉ thị về chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030, nghị định về chính sách cho công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp...
Tại Hà Nam, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Toàn tỉnh có khoảng 3000 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Cơ cấu ngành hàng chế biến ngày càng phong phú, như: chế biến thực phẩm, bảo quản rau, củ, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thức ăn chăn nuôi. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có bước tiến mới, nhất là đối với sản xuất lúa. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực khác, tỷ cơ giới hóa thấp hơn.
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Trương Minh Hiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cùng lãnh đạo một số sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản. |
Báo cáo tóm tắt kết quả công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong 10 năm trở lại đây cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể.
Hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến bảo quản nông sản có công suất thiết kế chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình.
Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới. Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của ngành nông nghiệp, đóng góp quan trọng nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Đối với lĩnh vực cơ giới hóa trong nông nghiệp, trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng dần. Năm 2019 so với năm 2011, số lượng máy kéo cả nước tăng khoảng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%; máy sấy nông sản tăng 29%.
Trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/01ha canh tác. Công nghiệp hỗ trợ cũng đạt được những kết quả nhất định. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng.
Việc phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị gia tăng nông sản, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng.