'Không cho tố cáo qua điện thoại là quay về thời kỳ 0.4'?

(PLO) -Hai luồng ý kiến giữ nguyên hai hình thức tố cáo hiện hành hay bổ sung thêm hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại thu hút sự quan tâm của ĐBQH tại nghị trường, hôm nay, 24/5.
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật tố cáo sửa đổi

Chưa phương án được quá 50% đại biểu đồng ý

Sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định báo cáo trước Quốc hội qua thảo luận, kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 có hai loại ý kiến về hình thức tố cáo: Thứ nhất, đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại bởi hiện nay, việc chuyển tải thông tin thông qua các hình thức điện tử, viễn thông đã hết sức phổ biến. Việc mở rộng hình thức tố cáo như trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc thực hiện tố cáo.

Thực tế thời gian qua, nhiều nội dung tố cáo, phản ánh các việc làm sai phạm của cán bộ, công chức, của cơ quan nhà nước thông qua các phương tiện điện tử hoặc ngay cả qua mạng xã hội tuy chưa được thừa nhận chính thức nhưng đã góp phần tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng và vi phạm pháp luật nói chung.

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp bởi việc quy định thêm các hình thức tố cáo mới như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử có thể dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, gây khó khăn, quá tải cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết và việc xác định trách nhiệm đối với những người tố cáo sai sự thật. 

Kết quả phiếu lấy ý kiến cho thấy cả hai loại ý kiến trên đều chưa được quá 50% tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý. 

Lo lắng tố cáo tràn lan

Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, đại biểu Phạm Đình Cúc, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu bày tỏ đồng tình với ý kiến giữ nguyên hai hình thức tố cáo trong luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và trực tiếp, vì "quy định như vậy mới xử lý được". "Quy định thêm các hình thức mới như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử có thể dẫn tới tố cáo tràn lan, gây quá tải cho cơ quan nhà nước. Gần đây việc giải quyết đơn thư tố cáo có dấu hiệu quá tải, nhiều đơn thư kéo dài', đại biểu Cúc nói.

Trong khi đó, đại biểu Võ Đình Tín, đoàn Đắk Nông cho rằng việc bổ sung thêm hình thức tố cáo mới là thuận tiện cho người dân song áp dụng hiện nay khó khả thi. 

Đại biểu Võ Đình Tín, đoàn Đắk Nông

Theo đại biểu này, trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay thì việc sử dụng mạng xã hội, bản fax, thư điện tử để tố cáo rất thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, nếu mở rộng hình thức sẽ gây ra tình trạng tố cáo tràn lan, khó khăn trong việc xác minh trách nhiệm người tố cáo sai sự thật. Hình thức tố cáo qua thư điện tử cũng dễ tạo kẽ hở dẫn tới bị lợi dụng để vu khống, xúc phạm danh dự người khác: “Việc mở rộng hình thức tố cáo cần các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất. Trong điều kiện hiện nay khó khả thi, vì vậy nên giữ nguyên như luật hiện hành”, đại biểu Tín đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, đoàn Hậu Giang có quan điểm tương tự. Theo đại biểu này, nếu mở rộng hình thức thì tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tuy nhiên nhiều trường hợp lợi dụng để gây rối, tố cáo sai sự thật. Mở rộng cần có biện pháp ngăn ngừa gây rối cho cơ quan nhà nước. "Tôi đề nghị nên giữ lại như luật hiện hành. Số lượng tố cáo sai, tố cáo đúng một phần còn rất lớn, nếu mở rộng hình thức gây khó khăn cơ quan chức năng, không ngăn ngừa được việc lợi dụng hình thức tố cáo để bôi xấu”, đại biểu Thủy nói.

Đại biểu Trần Hồng Hà, đoàn Vĩnh Phúc cũng đề nghị giữ nguyên hai hình thức tố cáo qua đơn thư và trực tiếp. Đại biểu cho rằng, mặc dù dự thảo luật đã bổ sung quy định về thủ tục tiếp nhận, xử lý ban đầu với hình thức tố cáo qua thư điện tử, bản fax, điện thoại nhưng có thể gây khó khăn, tốn kém, khó kiểm soát người tố cáo: “Tuy nhiên cần quy định rõ những thông tin tố cáo qua điện thoại, thư điện tử nếu rõ ràng, có cơ sở, bằng chứng thì cơ quan tiếp nhận phải xem xét xử lý để không bỏ sót hành vi vi phạm pháp luật”, đại biểu đề xuất thêm.

Nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tố cáo

Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre ủng hộ phương án tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử: “Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật phòng chống tham nhũng hiện hành. Chúng ta đang đứng ở thời đại 4.0 thì phải tận dụng lợi thế của 4.0. Nếu không chúng ta quay về thời kỳ 0.4. Chúng ta phải có trách nhiệm với người dân, phải tạo mọi điều kiện cho người dân... Chúng ta cần lưu ý hai vấn đề khiếu nại và tố cáo khác nhau. Đối với khiếu nại chú ý đầu vào, còn tố cáo chú ý đầu ra”, ông Nhưỡng nói.

Phản biện lại những ý kiến ủng hộ phương án không bổ sung ý hình thức tố cáo mới vì tỉ lệ tố cáo sai còn nhiều, có thể bị lợi dụng, ông Nhưỡng nói không nên đặt vấn đề ít hay nhiều ở đây: “Câu chuyện đó chúng ta có thể điều chỉnh được chứ không phụ thuộc vào các vấn đề người dân đặt ra”, đại biểu này nói. 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An cũng phản đối những ý kiến loại bỏ hình thức tố cáo qua thư điện tử, bản fax, điện thoại. Ông Cầu nói cách đây 13 năm, Luật phòng chống tham nhũng đã quy định rõ việc tố cáo qua điện thoại, mạng thông tin điện tử.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu ủng hộ phương án cho phép tố cáo qua điện thoại

Ông Cầu lấy ví dụ bản thân đang ở TP HCM, biết người thân ở quê bị đe dọa thì có thể gọi điện tố cáo, ông nói: “Nếu loại bỏ tố cáo qua thư điện tử, bản fax, điện thoại tôi nghĩ chúng ta mất kênh thông tin rất quan trọng. Muốn kiểm soát quyền lực, chúng ta vừa giám sát nội bộ vừa giám sát bên ngoài, đó là nhân dân giám sát, báo chí giám sát. Vì vậy tôi đề nghị giữ nguyên như dự thảo”.

Đọc thêm