Số người mắc SXH giảm
Nước ta hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên một người có thể mắc bệnh nhiều lần trong đời. Người bệnh cũng sẽ trở thành nguồn lây nếu muỗi đốt người bệnh rồi đốt sang người khỏe mạnh. Do đó, người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, lũy tích từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20 nghìn ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau và Khánh Hòa, so với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm hơn 40%.
Mặc dù số trường hợp mắc sốt xuất huyết trong các tháng đầu năm giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên đang bắt đầu vào mùa mưa và khu vực miền Bắc bước vào mùa hè, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Ðáng lo ngại, số ca mắc SXH trong những tuần gần đây đang có xu hướng tăng theo diễn biến mùa dịch SXH hằng năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Ðức Hạnh, TP là trọng điểm về SXH ở khu vực các tỉnh phía Bắc, trung bình mỗi năm có từ 3.000 đến 5.000 trường hợp mắc SXH, trong đó năm 2017 là năm đỉnh điểm về dịch bệnh SXH, với số ca mắc SXH lên tới hơn 30 nghìn trường hợp. Ðáng mừng, từ đầu năm 2018 đến nay, TP Hà Nội có khoảng hơn 200 trường hợp mắc, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm 2017 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Tuy nhiên các yếu tố nguy cơ để SXH phát sinh, phát triển thành dịch luôn hiện hữu, tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; mật độ dân số cao, nhiều khu vực nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn, ở tạm bợ; thời tiết mùa hè lúc này nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Không chủ quan
Theo Cục Y tế dự phòng, trong ba tuần trở lại đây, dịch bệnh SXH đang có chiều hướng tăng nhẹ theo diễn biến mùa dịch hàng năm. Cùng với đó, ngay từ đầu năm, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị với 63 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành nhằm triển khai và tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết năm 2018.
Xây dựng tài liệu hướng dẫn phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng dành cho cán bộ y tế cơ sở. Bộ Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm trong cả nước; cấp hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống SXH cho các địa phương...
Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống SXH một cách kịp thời và hiệu quả, nhất là tránh tâm lý chủ quan tại không ít địa phương hiện nay khi SXH giảm nhiều so với năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp tăng cường công tác phòng, chống SXH trên địa bàn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống SXH với mục tiêu không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Hàng tháng các xã, phường, thị trấn tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường và căn cứ diễn biến dịch bệnh SXH để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn chuyên môn của cơ quan y tế...
Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bởi vậy việc phòng chống bệnh chủ yếu dựa vào việc loại bỏ các nguồn lây. Mặt khác, biến đổi khí hậu cùng với sự nóng lên của trái đất, phương tiện giao thông hiện đại, đô thị hóa không kiểm soát, di biến động dân cư làm công tác phòng, chống SXH trở nên khó khăn hơn.
Cùng với đó, phòng chống SXH là bài toán nan giải của quốc tế chứ không riêng Việt Nam. Hiện nay, giải pháp chính để phòng, chống SXH là giảm véc tơ, tức là giảm muỗi thông qua việc giảm bớt các dụng cụ chứa nước là nơi sản sinh ra bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, nâng cao nhận thức, hành động của người dân về phòng bệnh...
Theo Bộ Y tế khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Vì vậy, người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thường xuyên loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; tìm và diệt bọ gậy hàng tuần; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đồng thời, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.