Tuần qua, PLVN có loạt bài nói về quá trình chuẩn bị Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoan 2017 - 2020), với một số câu hỏi được dư luận quan tâm như: Có hay không chuyện xin - cho trên cao tốc và Bộ GTVT đã thực sự công bằng khi phân chia quyền quản dự án cho các Ban quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ trước “vạch xuất phát”?
Sau khi những thông tin này được đăng tải, trao đổi với PLVN, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: “Đến thời điểm này, có thể khẳng định là không có chuyện xin - cho”.
Ông Thể cho biết, Bộ GTVT đã căn cứ vào 3 tiêu chí để phân bổ khối lượng công việc cho các PMU. “Trước tiên, phải ưu tiên các Ban đã được Bộ giao nghiên cứu chuẩn bị dự án này từ những năm trước (thời kỳ 2009 - PV); tiếp đó, sẽ ưu tiên các Ban điều hành tốt, được đánh giá cao về tiến độ và chất lượng công trình đã quản lý trong thời gian qua; cuối cùng, chúng tôi căn cứ tình hình công việc đã giao từ các dự án dùng vốn ngân sách, BOT... cho các Ban để cân nhắc thêm trước khi ra quyết định cuối cùng”, Bộ trưởng Thể giải thích.
Trả lời PLVN, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) Nguyễn Viết Huy cho biết thêm, trước khi tham mưu cho lãnh đạo Bộ quyết định phân bổ các dự án đối tác công - tư (dạng Hợp đồng BOT), Vụ phải căn cứ vào bảng xếp hạng năng lực các PMU đã được Bộ này công bố trong thời gian gần đây để đề xuất.
“Tôi lấy một ví dụ: PMU 7 là đơn vị được xếp hạng I trong năm 2017, kết hợp với yếu tố địa bàn, nên Ban này được giao quản lý 2 dự án thành phần trên cao tốc nhánh Đông, đoạn qua khu vực phía Nam. Dẫn chứng như thế để thấy rằng, mọi thứ đều phải có căn cứ chứ không có chuyện chạy chọt hay cảm tính khi phân, giao công việc”, lời Phó Vụ trưởng Huy.
Nhấn mạnh thêm về yếu tố năng lực của các PMU khi thực hiện dự án nói trên, Bộ trưởng Thể khẳng định, sắp tới, trong quá trình tổ chức thi công, bất cứ PMU nào, nếu điều hành công việc yếu kém, thì dù PMU đó đang ít dự án, Bộ vẫn cương quyết cắt chuyển công việc cho PMU khác điều hành.
“Phải dứt khoát là không có chuyện “chủ nghĩa bình quân” ở đây. Điều hành mà yếu kém thì không chỉ ít giao việc mà Bộ còn xử lý nghiêm cả lãnh đạo Ban”, Bộ trưởng Thể tuyên bố.
|
Đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 29km, trước do PMU 6 lập dự án đầu tư, vừa được cắt chuyển cho PMU đường Hồ Chí Minh điều hành |
Sẽ tổ chức roadshow dự án
Xác định đây là dự án quan trọng trong nhiệm kỳ công tác này, Bộ GTVT hiện mỗi tháng tổ chức ít nhất 2 cuộc họp kiểm điểm tiến độ do Bộ trưởng chủ trì.
Ở dưới, các Vụ, Cục chức năng mà đặc biệt là các PMU cũng đang “thổi lửa” để dự án sớm hoàn thành giai đoạn nghiên cứu khả thi (F/S), với mục tiêu sẽ khởi công 1 - 2 dự án thành phần vào cuối năm nay.
“Chúng tôi phải xây dựng biểu đồ tiến độ chi tiết và lập một bộ phận chỉ huy tiền phương đặt ở Nghệ An để chuẩn bị thực hiện dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt”, Giám đốc PMU6 Nguyễn Hữu Long thông tin.
Còn ông Dương Viết Roãn - Giám đốc PMU Thăng Long thì cho hay, đơn vị đang nỗ lực để hoàn thành và trình Bộ phê duyệt FS hai dự án thành phần mà Ban này được giao trên cao tốc Bắc - Nam trong tháng 5/2018... Các dự án thành phần còn lại sẽ phải hoàn thành việc phê duyệt F/S trong tháng 7/2018.
Đại diện Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết thêm, sắp tới, Bộ này sẽ mời Tư vấn nước ngoài để giới thiệu và tìm kiếm các nhà đầu tư cho siêu dự án cao tốc Bắc - Nam. Khâu sơ tuyển nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ giao cho các PMU chuẩn bị hồ sơ song ngữ (Việt - Anh) để qua đó có thể lựa chọn được nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
“Thông qua Tư vấn nước ngoài, chúng tôi có thể “roadshow” được dự án này và hy vọng cũng có thể tìm kiếm được những nhà đầu tư nước ngoài có năng lực. Trong trường hợp không tìm được nhà đầu tư nào, thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội để chuyển đổi hình thức đầu tư khác”, lời Phó Vụ trưởng Nguyễn Viết Huy.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông triển khai xây dựng giai đoạn từ nay cho đến năm 2020 có tổng mức đầu tư gần 120.000 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án thành phần được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, 8 dự án còn lại được đầu tư theo hình thức PPP (dạng Hợp đồng BOT).