Không có chuyện ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' bị bán ra nước ngoài một lần nữa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông tin này được ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa thông tin trong khuôn khổ cuộc họp báo thường kỳ Quý I/2023 của Bộ VHTTDL ngày 24/3/2023.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh VTV
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh VTV

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” mà hãng Millon (Pháp) rao bán được các chuyên gia xác định là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ 4 năm 1823. Đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại.

Tháng 2/2023, theo thông tin từ truyền thông, ấn vàng đã được một cá nhân nhà sưu tập đàm phán mua với sự hỗ trợ, đồng hành rất lớn từ các cơ quan văn hóa, ngoại giao của Việt Nam. Hiện cá nhân nhà sưu tập này và các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nỗ lực với các thủ tục nhập cảnh cổ vật khá phức tạp để đưa ấn vàng về nước sớm nhất, đúng pháp luật của hai nước Việt Nam và Pháp.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo ngày 24/3 về những thông tin liên quan đến vấn đề hồi hương của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, ông Trần Đình Thành cho biết hiện Cục Di sản văn hóa chưa thể công bố thông tin chính thức bởi quá trình đàm phán, thương lượng và tiến hành thủ tục hồi hương vẫn đang diễn ra, nhưng sẽ sớm có kết quả vào tầm giữa năm 2023.

Các chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu, đánh giá tính xác thực của ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại hãng đấu giá Millon. Ảnh Cục DSVH

Các chuyên gia của Việt Nam nghiên cứu, đánh giá tính xác thực của ấn vàng Hoàng đế chi bảo tại hãng đấu giá Millon. Ảnh Cục DSVH

Về vấn đề các phóng viên lo ngại việc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” khi được mua thành công bởi một cá nhân nhà sưu tập thì liệu sau này có bị bán ra nước ngoài lần nữa theo quyền sở hữu, định đoạt tài sản hay không, ông Trần Đình Thành thông tin, theo Thông tư số 19/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định loại di vật cổ vật không được đưa ra nước ngoài thì trong đó bao gồm di vật, cổ vật bằng các chất liệu có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học thuộc các giai đoạn lịch sử Việt Nam trước tháng 9/1945 trong đó bao gồm ấn tín.

Bên cạnh đó, Điều 44 Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009 cũng có quy định việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài; quyết định của Bộ trưởng VHTTDL cho phép đưa di vật, cổ vật ra nước ngoài.

Theo đại diện Cục Di sản văn hóa cổ vật có thể đưa ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm để quảng bá văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu, bảo quản, phục chế do điều kiện công nghệ trong nước chưa đáp ứng được.

Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, Bộ VHTTDL cho biết trong quý II sẽ tập trung vào các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), phối hợp các địa phương để bảo vệ các hồ sơ khoa học trình UNESCO ghi danh trong 2023...