PV: - Thưa ông, với một khoản đầu tư quá lớn cho sân bay Long Thành, cử tri lo ngại nhiều hạng mục khác của giao thông sẽ bị đình trệ?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Phát triển từng vùng cũng phải gắn với trong đó có giao thôngvận tải, trong chiến lược giao thông vận tải có chiến lược và quy hoạch từng lĩnh vực khác nhau đường sắt, đường bộ, đường không, đường thủy và trình tự đầu tư cũng có theo quy hoạch để đăng ký, chứ không phải đầu tư Long Thành thì bỏ cái khác.
Chúng ta phải tái cơ cấu lại các phương thức vận tải và phải kết nối được với nhau, phát triển hài hòa giữa các phương thức bởi đất nước trải dài. Đường bộ thường hiệu quả chỉ khoảng 300 km, đường sắt ít nhất là 95 km, đường không thì đương nhiên là không hạn chế. Phải căn cứ vào nguồn lực, hiệu quả của từng phương thức đầu tư phù hợp.
PV: - Như vậy có xảy ra chuyện chia Cảng Cái Mép - Thị Vải với Tân Cảng không? Một bên thì chợ chiều đìu hiu, một bên là đông đúc?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Trong quy hoạch cảng biển là đứng trên giác độ lợi ích của cả nước chứ không phải của Đồng Nai, hay TP Hồ Chí Minh, mà tính một cách tổng thể. Khi quyết định đầu tư Cảng Cải Mép - Thị Vải thì phải đồng thời di dời cảng Sài Gòn. Nhưng hiện nay chưa có đầy đủ nguồn lực nên việc di dời cảng Sài Gòn chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Lẽ ra năm 2010 là phải kết thúc.
PV: - Tân Sơn Nhất và Long Thành có xảy ra tình trạng tương tự như thế hay không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đầu tư Long Thành, nhiệm vụ số 1 là giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Bởi vì tính đến 2025 là Tân Sơn Nhất đã quá tải và phải đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Long thành với công suất 25 triệu lượt khách để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 nâng lên 50 triệu lượt khách cũng vẫn chỉ là để giảm tải cho Tân Sơn Nhất là chính.
Còn lại tùy thuộc vào tình hình kinh tế, nó có thể tiếp tục đảm nhiệm thêm nhiệm vụ là cảng hàng không trung chuyển quốc tế. Nhưng để trở thành cảng hàng không trung chuyển, phải đáp ứng theo phát triển kinh tế chung của cả nước trong đó có chính sách phát triển kinh tế từng vùng như giảm visa, chính sách kinh tế… Tóm lại, để trở thành cảng hàng không trung chuyển, cần phải có rất nhiều điều kiện chứ không thuần túy là vị trí đắc địa, cảng hiện đại...
- PV: Hôm trước ở buổi họp báoC phủ ông có nói về việc đặt trạm thu phí BOT không đúng quy định?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không phải không đúng, tôi chưa bao giờ nói không đúng cả. Trong quy định khoảng cách là 70km, thứ 2, ko đủ 70km thì phải như thế nào, phải thỏa thuận với ủy ban nhân dân địa phương trước khi quyết định.
Việc đặt một số trạm không đủ km không phải là sai nhưng nó có lý do như thế này.
Có một loại là đủ 70km, nhưng nếu đặt đúng 70km thì vào giữa thành phố, giữa khu dân cư thì địa phương đồng ý lùi ra một tý. Về tổng thể thì nó vẫn thế nhưng nếu đẩy ra ngoài nội đô thì nó chỉ còn khoảng cách là 60 – 65km, vì nếu đúng thêm 10km nữa thì vào giữa thành phố.
Loại thứ 2 là đầu tư một cục thì không đủ, ví như đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long chỉ có 25km thì lấy đâu ra 70km, trong khi vẫn phải đầu tư.
Bộ trường Đinh La Thăng |
PV: Lý do là do thỏa thuận với địa phương nên các khoảng cách của trạm không theo quy định?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không cóchuyện tự nhà đầu tư. Cái này là tổng thể, đã có từ khi chủ trương, khi triển khai dự án BOT thì có đặt trạm thu phí.
PV: Theo bộ trưởng trạm thu phí có dày quá không?
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Thứ nhất đường cao tốc không phụ thuộc vào trạm thu phí, anh đi bao nhiêu km tính bấy nhiêu. Nên trên đường cao tốc không có tính theo 70km
Thứ 2, những con đường độc đạo thì 70km là phù hợp. Bây giờ Chính phủ đang cho làm thu phí không dừng, tức là tự động thì sẽ rất nhanh, không ảnh hưởng gì cả.
PV: Xin cám ơn ông!