“Không có dấu hiệu tiêu cực trong dự án đường Trường Chinh”

(PLO) - Sáng qua (15/4), bên lề Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội, nói về qui hoạch đường Trường Chinh, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: “Việc điều chỉnh quy hoạch vừa rồi không có bất kỳ một dấu hiệu nào mang tính tiêu cực”.
Bí thư đánh giá thế nào về dư luận xung quanh việc đường Trường Chinh đang bị “nắn cong”?
- Việc quyết định quy hoạch đường Trường Chinh là một quy trình làm việc thận trọng và nếu nói về mặt quy trình làm việc thì rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu quan tâm đến việc giảm được thiệt hại không đáng có cho người dân và giảm được những chi phí không cần thiết cho dự án đấy mà không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công trình đó thì chúng ta cũng nên lắng nghe, cũng nên điều chỉnh. 
Việc điều chỉnh hướng tuyến đường Trường Chinh xuất phát từ lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và nó cũng góp phần giảm được chi phí cho công trình. Như vậy tính toán cho con đường ấy về nguyên tắc không có gì là sai phạm.
Nhưng dư luận cho rằng có tiêu cực trong việc điều chỉnh hướng tuyến đường này?
- Tôi muốn khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch vừa rồi không có bất kỳ một dấu hiệu nào mang tính tiêu cực ở đây cả. Đề nghị rất là đàng hoàng, đúng đắn, công khai, minh bạch của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng và cơ quan quyết định là UBND thành phố (TP) chứ không có việc đưa ý chí, lợi ích cá nhân vào việc này; còn đương nhiên nếu con đường chạy thẳng thì sẽ tốt hơn không thẳng. Tuy nhiên, nếu con đường gặp một di tích thì cũng không thể thẳng được mà có khi phải điều chỉnh.
Trong trường hợp ở đường Trường Chinh này tôi xin nói 2 điều, quy trình thủ tục là căn cứ vào những cơ quan có thẩm quyền để xem xét chứ không phải một cá nhân nào. Cái thứ hai, xét từ phương diện kinh tế kỹ thuật, sự điều chỉnh này lại giảm được chi phí giải phóng mặt bằng, lại bớt ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dù đó là quyền lợi của công dân bình thường hay những người có đóng góp, những anh hùng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, nếu là chính đáng đều cần phải quan tâm như nhau.
Dẫu sao con đường cũng đã bị cong, nhưng dư luận cho rằng TP cần phải xem xét. Mới đây, trong buổi giao ban lãnh đạo TP cho rằng nếu như có giải pháp tốt hơn về kinh tế, khoa học, kỹ thuật nó phù hợp nhất TP vẫn lắng nghe và điều chỉnh. Ý kiến của Bí thư thế nào?
- Đúng là lâu nay quan điểm của TP là như vậy. Mọi việc đều cần lắng nghe, cái gì tốt nhất, đúng nhất thì mình làm theo. Con đường Trường Chinh là kết quả của sự lắng nghe đó.
Bí thư có cho rằng lợi ích của toàn thể nhân dân Thủ đô quan trọng hơn lợi ích của một số người không?
- Chúng ta nói cái gì cũng phải căn cứ trên bối cảnh cụ thể, nguyên tắc chung như thế, nhưng đôi khi sẽ là duy ý chí nếu đi vào trường hợp cụ thể. Trong trường hợp này, áp cái nguyên tắc chung đó thì phải dừng dự án không làm, trong khi dự án vẫn phải làm. Quan trọng là chi phí không được tốn kém thêm, thiệt hại của người dân phải là ít nhất.
Trân trọng cảm ơn Bí thư!
Theo kế hoạch, sáng 18/4 HĐND TP Hà Nội sẽ họp phiên thứ IX để kiện toàn nhân sự lãnh đạo UBND TP 
Trong số 3 nhân sự sẽ được HĐND TP bỏ phiếu bầu bổ sung vào chức danh Phó Chủ tịch UBND TP tại kỳ họp này có ông Lê Hồng Sơn (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, được Ban Bí thư luân chuyển và giới thiệu giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội). 
Nói về sự kiện này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết: “Khi TƯ gửi cán bộ về để bồi dưỡng, đào tạo thì đã có sự đánh giá, xem xét chất lượng nhân sự chứ không phải giới thiệu bất kỳ một người nào. Đấy là những nhân tố rất quan trọng để đảm bảo nhân sự được gửi về địa phương có thể trúng cử và có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu không trúng cử thì không được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND và sẽ do TƯ xem xét”.

Đọc thêm