"Không có lý do gì để thay đổi tên nước"

“Khi chế độ chính trị vẫn ổn định, khi bản chất mục tiêu nhà nước và định hướng phát triển ở nước ta không thay đổi thì không có lý do gì để thay đổi tên nước”, ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nêu quan điểm khi góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại phiên toàn thể tại hội trường, hôm qua.

Toàn bộ nội dung của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phân tích, góp ý theo hướng để có “một bản Hiến pháp dân chủ, thúc đẩy với sự phát triển của đất nước trong tình hình mới” tại phiên toàn thể tại hội trường, hôm qua.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại Hội trường

Các ý kiến ĐBQH đều khẳng định nhất trí với Điều 4 trong dự thảo và tán thành “không đổi tên nước” vì “khi chế độ chính trị vẫn ổn định, khi bản chất mục tiêu nhà nước và định hướng phát triển ở nước ta không thay đổi thì không có lý do gì để thay đổi tên nước” như quan điểm của ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) hay “đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp”, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) lý giải.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cũng khẳng định, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, để “vừa khẳng định được bản chất vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mặt khác bảo đảm sự hài hòa và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tức là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, như quan điểm của ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang).

Tiếp tục thể hiện nhiều quan tâm đến vấn đề sở hữu đất đai và thu hồi đất, các ĐBQH cơ bản tán thành quy định đất đai các tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu toàn dân. ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng: “Nếu quy định sở hữu đất đai trong giai đoạn hiện nay sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

ĐB Hà đề nghị, chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp: vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia và vì lợi ích công cộng. Không quy định thu hồi đất vì lý do các dự án phát triển kinh tế xã hội bởi vì các dự án phát triển kinh tế xã hội đều nhằm đến mục đích cao nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, lợi ích của nhân dân.

Theo ĐBQH, “đây cũng là biện pháp ngăn chặn tình trạng thu hồi đất tràn lan dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, sử dụng đất không hiệu quả gây nhiều bức xúc đối với nhân dân trong thời gian vừa qua”.

Đối với những thiết chế độc lập, các ĐBQH tập trung phân tích những lý do để thành lập và cả chưa nên thành lập Hội đồng hiến pháp. ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) nhận thấy: “Mô hình theo Điều 120 hiện nay không đủ điều kiện để có tính khả thi vì chúng ta không có một cơ chế độc lập trên Quốc hội về bảo hiến. Thêm vào đó, Hội đồng Hiến pháp không có chức năng tài phán thì không thể kiểm soát được số lượng luật và văn bản pháp quy rất lớn và thường xuyên có biến động thay đổi. Tôi đề nghị giữ nguyên như cơ chế hiện nay và tăng cường cho các cơ quan của Quốc hội có thực quyền để thực hiện chức năng này”.

Song ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) lại đề nghị Quốc hội “lựa chọn mô hình Hội đồng Hiến pháp với quyền năng đầy đủ, nếu được nó sẽ là bước tiến trong tư duy lập hiến, lập pháp của chúng ta. Việc ra đời một thiết chế bảo hiến, bảo vệ Hiến pháp độc lập là nhằm mục đích tiếp tục hoàn thiện và làm sâu sắc hơn bản chất nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN của Việt Nam. Không thể một nhà nước dân chủ pháp quyền lại thiếu một cơ chế bảo hiến độc lập để xử lý các hiện tượng vi hiến”…

Hôm nay (4/6), Quốc hội sẽ tiếp tục góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên):

- Việc trưng cầu ý dân có nghĩa là xin ý kiến quyết định của nhân dân đối với Hiến pháp với tư cách là người làm chủ.

Ở nước ta dù việc trưng cầu ý dân chưa có tiền lệ và có thể có những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhưng để khẳng định và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tôi đề nghị quy định trong Hiến pháp việc trưng cầu ý dân là điều nên làm và cần phải làm.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên):

- Tôi rất băn khoăn là làm thế nào để hiến định về quyền làm chủ của nhân dân đi vào cuộc sống bởi thực tế người dân, người chủ của quyền lực nhà nước, vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, phiền hà, nhiều trường hợp phải “đi xin, đi nhờ, thậm chí phải phong bì” mới được giải quyết.

Như vậy quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đang bị hạn chế, đang bị một số tổ chức và cá nhân làm ngược lại. Vì vậy, tôi đề nghị trong Hiến pháp phải quy định rõ cơ chế và trách nhiệm của người đứng đầu, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân thì quy định về bản chất tốt đẹp của nhà nước ta mới thực sự đi vào cuộc sống.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM):

- Theo tôi, việc xây dựng chính quyền địa phương phải đặt hiệu quả lên hàng đầu; phải tổ chức làm sao mà bảo đảm cao nhất quyền dân chủ của dân, quyền lợi của dân, quyền giám sát của dân đối với chính quyền và phải phù hợp với năng lực và thực tiễn của Việt Nam.

Ví dụ như TP HCM và một số địa phương đề xuất mô hình chính quyền đô thị và bỏ HĐND ở cấp huyện, phường là xuất phát cao nhất từ lợi ích của nhân dân, làm cho hiệu quả quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao nhất. Nếu chúng ta vì một số những suy luận hoặc quan điểm mang tính chất hình thức mà không dám sửa đổi thì việc duy trì mô hình đó đôi khi cũng chỉ là hình thức mà thôi, gây tốn kém không đạt hiệu quả.

Hương Giang

Đọc thêm