Khi những “thuyền trưởng” tận tâm
Nếu ở đâu đó, dư luận rầu lòng về không ít thầy cô đã đi chệch “đường ray” làm thầy thì tại những vùng khó khăn, non cao là những người thầy yêu nghề bằng tất cả trái tim mình để giữ học sinh ở lại và mở ra cho các em những chân trời mới. Đó là thầy giáo Ninh Văn Dậu (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Krông Pa, Gia Lai), người đã vượt qua rất nhiều khó khăn để bám bản, bám trường, băng rừng vượt rẫy vận động học sinh trở lại lớp. Tâm huyết và nỗ lực của thầy đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi thư khen trong năm học 2016 - 2017. Trong thư, Bộ trưởng khẳng định: Việc làm của thầy chắc chắn sẽ lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, tạo ra nhiều cảm hứng, niềm tin yêu trong học sinh, sinh viên và những động lực mới trong dạy học cho các thầy, cô giáo trong cả nước.
Đó là thầy Phạm Thanh Linh, giáo viên Trường THPT Phủ Thông, Bắc Kạn. Thầy là giáo viên trẻ điển hình trong phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; có năng lực, tận tâm với nghề; tích cực tham gia các hoạt động phong trào do các cấp tổ chức. Năm học 2016-2017, thầy đã tham gia biên soạn tài liệu Bồi dưỡng giáo viên cấp THCS do Sở GD&ĐT chủ trì; đạt giải nhì cuộc thi thiết kế bài giảng e-learning, bài giảng được chọn dự thi quốc gia và được chọn đưa vào kho bài giảng quốc gia...
Đó là thầy giáo Võ Như Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT Đắk R’ Lấp, tỉnh Đắk Nông. Dưới sự dìu dắt của thầy, nhiều học sinh dân tộc đã đạt kết quả cao trong nghiên cứu khoa học, như em Chí Nhịt Pình, Đào Tiểu Yến, Điểu Túy đạt 2 giải ba Cuộc thi KHKT cấp tỉnh và 1 giải nhì Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên lần I của tỉnh. Nhiều học sinh, sinh viên với nỗ lực học tập, vượt khó đã góp phần không nhỏ tạo nên làn sóng đổi mới giáo dục trong toàn ngành.
Đó là cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Hà đã đưa trường THPT Thái Phiên (Hải Phòng) 5 năm liên tục dẫn đầu khối thi đua các trường THPT thành phố, là đơn vị đi đầu trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học. Trong những năm học gần đây, trường THPT Thái Phiên không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thầy và trò cùng đổi mới cách dạy, cách học theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, 100% số học sinh của trường thi đỗ tốt nghiệp; 99% số học sinh đỗ đại học tính từ điểm sàn trở lên, trong đó, 58 học sinh đạt tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học từ 27 điểm trở lên. Đặc biệt, em Lê Hữu Dương, học sinh lớp 12A12 có tổng điểm 3 môn xét tuyển đại học 29,8 điểm (toán 9,8 điểm, hóa 10 điểm, sinh 10 điểm), dẫn đầu cụm thi Hải Phòng. Ấn tượng nhất là kết quả lớp 12A3 do cô giáo Đặng Thị Thu Vân chủ nhiệm có 42 học sinh thì 100% học sinh đạt từ 24,5 điểm trở lên với khối thi truyền thống, trong đó có 21 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên.
Không những thế, cô Hà đưa ra nhiều giải pháp góp phần phòng, chống, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục. Tiếp tục duy trì tốt mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh…
“Nếu con đường chúng ta không chịu bước”…
Không bằng lòng với việc truyền thụ kiến thức môn học đơn thuần, cô Nguyễn Thị Như Hằng, giáo viên trường THPT Trương Định, Tiền Giang cho biết, phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp và vận dụng kiến thức liên môn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh.
“Khởi đầu một phương pháp mới sẽ vất vả cho thầy cô, nhưng nếu trên con đường mới mà chúng ta không chịu bước thì làm sao dẫn dắt các em đi đến đích của tri thức mới. Chúng tôi đưa vấn đề thực tiễn vào chủ đề dạy học cụ thể, rõ ràng, có minh chứng bằng người thật, việc thật nên phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh, giúp học sinh rèn các kĩ năng mềm trong học tập, giao tiếp qua đó các em tích lũy kĩ năng sống phong phú hơn như khả năng giao tiếp ứng xử, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, tìm và xử lý thông tin, tạo được sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các em trong hoạt động học tập…”. Với kinh nghiệm và sự say mê phương pháp dạy học tích hợp, cô Nguyễn Thị Như Hằng đã đoạt giải Nhất Cuộc thi quốc gia về dạy học tích hợp năm học vừa qua.
Còn cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên dạy Địa lý trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã rất thành công khi đưa tiếng Anh vào bộ môn tưởng chừng chỉ là môn học phụ của mình. “Khi còn là học sinh, tôi đã say mê với môn tiếng Anh và Địa lý. Trong quá trình giảng dạy ở THPT chuyên, tôi thấy Địa lý mang màu sắc của nhiều môn học, có tính cập nhật cao, những vấn đề này ở chương trình tiếng Anh phổ thông cũng được đề cập. Tôi đã thử nghiệm soạn giảng một số tiết học Địa lý bằng tiếng Anh để biến ngoại ngữ thành ngôn ngữ chứ không phải môn học. Học sinh của tôi đã rất hứng thú và như được nhận một làn gió mới với 2 môn học của mình”, cô Nga chia sẻ
Là giáo viên trường THCS Giao Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, cô Tô Thị Bình luôn trăn trở để làm sao vận dụng các phương pháp dạy học tích cực có thể tác động tới tất cả các đối tượng học sinh trong lớp và đặc biệt chú trọng ứng dụng CNTT trong dạy học. Trong giờ hội giảng cấp huyện, cấp tỉnh năm học qua, cô Bình đã sử dụng phần mềm trắc nghiệm. Khi sử dụng phần mềm này, học sinh không chỉ biết mình được bao nhiêu điểm, sai ở câu nào mà còn biết được vị trí của mình so với các bạn trong lớp. Giáo viên sẽ có được kết quả tổng hợp nhanh chóng, bao nhiêu em đạt khá, giỏi, trung bình, học sinh sai ở câu nào nhiều nhất, để từ đó điều chỉnh phương pháp, rèn cho học sinh được tốt hơn. Nhờ sử dụng thiết bị dạy học này, cô Bình đã thực sự kích thích được sự hào hứng học tập của học sinh trong trường.
Từ “sợ” trẻ khóc, tới “yêu thương”
Ở cấp học bé hơn, cô Đàm Thị Hiên, giáo viên mầm non duy nhất đại diện tỉnh Vĩnh Phúc. Nói về lý do “bén duyên” với nghề, cô giáo sinh năm 1987 tâm sự, vì rất yêu trẻ con, sự vô tư hồn nhiên trong sáng nên dù từng nghe nhiều người nói nghề vất vả nhưng bản thân không quản ngại. Thế nhưng, ngày đầu tiên đi dạy cô phải đón 35 cháu mới hoàn toàn, chưa đi học bao giờ. Lần đầu tiên bước chân vào lớp học, các cháu khóc rất nhiều, phải đến hơn chục cháu cứ bám rít theo cô, cô đi đâu trò theo đấy. Đến giờ ngủ, cô giáo không ngủ được mà vừa bế vừa ôm 5-6 cháu để trông các cháu ngủ, cô Hiên nhớ lại.
Cô Hiên thú thực, những ngày đầu cô bị “ám ảnh” bởi tiếng khóc của trẻ, trong đầu lúc nào cũng có tiếng trẻ khóc: “Rất nản chí vì chưa bao giờ phải chứng kiến nhiều trẻ con khóc như vậy. Thậm chí, đi trên đường mình cũng nghe tiếng trẻ khóc, cứ tưởng bên cạnh có cháu khóc nhưng thực tế không phải mà do tiếng khóc các trẻ đã hằn sâu vào đầu đến mức ám ảnh”. Về nhà, cô nói với mẹ “Con không theo nghề mầm non nữa đâu, con đi học nghề khác”. Và dần dần, cô đã vượt qua được những khó khăn ban đầu đó.
Sau những thành công, quan điểm giáo dục của cô giáo xuất sắc ấy gói gọn trong hai chữ “yêu thương”. Tuy nhiên, cô cũng cho rằng, khó khăn hơn cả là phụ huynh chưa đề cao ngành Sư phạm Mầm non, chưa ủng hộ nhiệt tình các cô, nghĩ các cô chưa yêu thương con mình như là phụ huynh mong đợi. “Không ít phụ huynh vẫn coi chúng mình là những người trông nom trẻ đơn thuần nhưng thực sự chúng mình phải dạy các con rất nhiều. Dạy các cháu kỹ năng cơ bản nhất để các cháu có thể tự phục vụ bản thân trong một môi trường lạ. Những điều mặc dù rất đơn giản nhưng với các cháu mầm non phải dạy đi dạy lại bởi lẽ trẻ chóng nhớ mau quên”…
Đề cập tới thực trạng nhiều vụ việc liên quan đến trẻ mầm non được phụ huynh đăng tải trên mạng xã hội gây nhiều bình luận trái chiều, cô Đàm Thị Hiên thừa nhận, “thời nay giáo viên mầm non dễ gặp “rắc rối”, khi con trẻ không may bị trầy xước nhẹ phụ huynh có thể đã tung lên mạng gây những “cơn bão” không đáng có. Trong khi đó, đối với ngành mầm non, phụ huynh có ít con và họ quý con mình hơn vàng. Còn việc không may làm xây xước cháu do không để ý hết cháu thì chúng mình phải trao đổi với phụ huynh. Qua đó, phụ huynh hiểu vì sao cháu bị như vậy, trong đó cũng có lỗi của giáo viên, chúng mình sẵn sàng nhận lỗi với phụ huynh”, cô Hiên bày tỏ.
Với những hướng đi đầy sáng tạo này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, phong trào đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã có một vị trí quan trọng trong mỗi nhà trường, nhận được sự hưởng ứng thiết thực và hiệu quả của mỗi thầy giáo, cô giáo, các em học sinh…