Nói đến điều này, hơn ai hết ngành Giáo dục không thể quên các yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH HĐH) trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Cũng xin nhắc lại năm 1996 Trung ương đã có Nghị quyết số 02-NQ/TW (Khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển GD&ĐT trong thời kỳ CNH HĐH và nhiệm vụ đến năm 2000. Tức là đã 20 năm ta đổi mới GD&ĐT nhưng những điểm yếu đáng lo vẫn là: “GD&ĐT còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập chậm được khắc phục; chất lượng giáo dục còn thấp, quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng; so với yêu cầu phát triển của đất nước còn nhiều nội dung chưa đạt; chưa thực sự là quốc sách hàng đầu” như đánh giá của Trung ương.
Không có sự lựa chọn nào khác là phải đổi mới, tất nhiên “cơ bản và toàn diện”.
Chúng ta phải tiếp tục làm gì? Đó là đổi mới tư duy, nhận thức, triết lý về giáo dục, về sứ mạng của giáo dục; đổi mới quan điểm phát triển giáo dục; đổi mới mục tiêu giáo dục; đổi mới và lành mạnh hóa môi trường giáo dục; đổi mới nội dung và phương thức giáo dục; đổi mới cơ chế phát triển giáo dục; đổi mới động lực - nguồn lực phát triển giáo dục; đổi mới tổ chức chỉ đạo thực hiện quá trình đổi mới giáo dục…
Định hướng cơ bản của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã được nêu trong Văn kiện Đại hội của Đảng là “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế”.
Trong Thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đặt ra yêu cầu “Năm học 2016 - 2017, ngành GD&ĐT cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân; chú trọng đầu tư phát triển GD&ĐT ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đối với các đối tượng chính sách; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp CNH HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước”.
Thưa các bạn, điều này không chỉ vì mỗi học HSSV mà còn vì chất lượng nguồn nhân lực, là yêu cầu phát triển của đất nước.