Không còn “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Suốt một thời gian dài, ngành sư phạm gần như không thu hút được thí sinh giỏi bởi nỗi ám ảnh lương thấp, ra trường thất nghiệp… Thế nhưng, vài năm trở lại đây, đã có một sự trở lại ngoạn mục khi điểm chuẩn vào sư phạm đã tăng vọt. Mùa tuyển sinh vừa qua, điểm chuẩn cao nhất 30,5 thuộc về Đại học Sư phạm Hồng Đức…
 Dẫu nghề giáo còn nhiều vất vả nhưng những thí sinh giỏi vẫn chọn thi và học sư phạm không hẳn là “chuột chạy cùng sào” như trước nữa. (Ảnh minh họa)
Dẫu nghề giáo còn nhiều vất vả nhưng những thí sinh giỏi vẫn chọn thi và học sư phạm không hẳn là “chuột chạy cùng sào” như trước nữa. (Ảnh minh họa)

Sự trở lại ngoạn mục

Còn nhớ câu chuyện về Nguyễn Thuận Hưng - Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2019 lựa chọn tuyển thẳng vào Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội để thực hiện ước mơ là thầy giáo dạy Toán trở thành sự kiện truyền thông ở thời điểm đó. Nói như GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Gần 20 năm, ngành sư phạm mới lại đón một học sinh đoạt Huy chương Vàng Toán quốc tế vào theo học. Cuộc tái ngộ của Huy chương Vàng Toán quốc tế với sư phạm như dấu mốc quan trọng, khẳng định chất lượng sức hút, chất lượng đầu vào của ngành.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2019, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội còn đón nhận nhiều thí sinh xuất sắc như: Thủ khoa Khối C trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 và hơn 100 thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia tuyển thẳng vào trường.

Có thể nói, thời bao cấp khó khăn và rất nhiều năm sau này, câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã trở thành nỗi ám ảnh bởi nghề giáo dẫu cao quý nhưng đồng lương lại khá eo hẹp nếu thầy cô không tìm cách bươn chải… Khi đó, ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề, lương giáo viên không đủ sống, nhiều nhà giáo phải bỏ nghề để tìm kế mưu sinh, học sinh bỏ lớp, nhiều trường ĐH, nhất là các trường sư phạm phải cho sinh viên nghỉ học vì thiếu lương thực...

Và mùa tuyển sinh vừa qua, ngành sư phạm năm nay điểm chuẩn tăng vọt so với năm trước. Không ít ngành sư phạm có điểm chuẩn tăng đến 6, 7 điểm so với năm 2020. Thống kê sơ bộ cho thấy, ngành sư phạm ở các trường có truyền thống đào tạo ngành này đều tăng từ 2 đến 10 điểm so với năm trước. Đây là mức tăng nhiều nhất sau nhiều năm ngành sư phạm ở nhiều trường có điểm chuẩn khá thấp. Nếu các năm trước có trường lấy điểm chuẩn ngành sư phạm chỉ bằng điểm sàn thì năm nay đã tăng lên đến 7-8 điểm, mức tăng cao nhất sau nhiều năm.

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), số nguyện vọng đăng ký vào ngành sư phạm tăng gấp 2,5 lần so với năm trước. Năm 2020, thí sinh trúng tuyển nhập học các ngành đào tạo giáo viên là gần 36 nghìn, tương đương 61,58% tổng chỉ tiêu. Năm nay, đặt trong bối cảnh Covid-19, tỷ lệ nhập học mong đợi vào ngành sư phạm khoảng 40 - 50 nghìn sinh viên, đạt từ 50 - 60% tổng chỉ tiêu”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2021 có tới 64 ngành của các trường sư phạm tăng từ 5 điểm trở lên so với năm 2020. Tăng cao nhất, cũng gây ngạc nhiên nhất là ngành sư phạm ngữ văn chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), với điểm chuẩn lên tới 30,5. Với mức điểm này, thủ khoa khối C00 năm 2021 (tổng điểm thi 29,25) cũng không thể trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên đối tượng và khu vực. Cũng ở trường này, ngành sư phạm lịch sử chất lượng cao lấy điểm chuẩn rất cao, tới 29,75. Các ngành đào tạo sư phạm thuộc chương trình chuẩn, điểm trúng tuyển từ 18 đến 27,75. Ngành sư phạm công nghệ của Trường ĐH Sư phạm 2 cũng có điểm chuẩn là 32,5/40 - tăng tới 7,5 điểm so với năm 2020.

Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy điểm chuẩn vào trường cao không kém các trường kinh tế đang “hot” nhất. Theo thông báo của trường, điểm trúng tuyển ngành sư phạm tiếng Anh lên đến 28,53; thí sinh muốn vào các ngành sư phạm toán (dạy bằng tiếng Anh) và giáo dục chính trị phải có điểm chuẩn lên đến 28,25. Với mức điểm này, thí sinh dù đạt điểm hai môn 9 và một môn 10 vẫn nằm ngoài cuộc đua.

Không còn tuyển sinh ồ ạt

Theo các chuyên gia giáo dục, một lý do quan trọng khiến điểm chuẩn ngành sư phạm tăng là năm nay sinh viên sư phạm được miễn học phí, ngoài ra còn được cấp sinh hoạt phí hằng tháng và được sắp xếp công việc sau khi ra trường. Chính sách ưu đãi này đã thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế nhiều gia đình rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cùng với đó, Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT quy định: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Hơn nữa, trình độ của đội ngũ giảng viên được nâng lên, sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sư phạm trọng điểm, môi trường học tập của sinh viên sư phạm ngày càng tốt hơn sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ năm 2020, thực hiện Luật Giáo dục, các trường cao đẳng, trung cấp dừng tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học, THCS; việc đào tạo giáo viên được giao cho các trường sư phạm trọng điểm; do đó sẽ hạn chế việc tuyển sinh, đào tạo giáo viên ồ ạt. Sinh viên sau khi tốt nghiệp thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng, lựa chọn vị trí việc làm.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Năm nay, số sinh viên nhập học các ngành Sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cơ bản là đã nằm trong chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT căn cứ theo nhu cầu của địa phương, nên các em không cần quá lo lắng về cơ hội việc làm sau tốt nghiệp hay vấn đề điểm chuẩn tăng cao, có tăng cũng chỉ tăng nhẹ. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển sinh dựa trên nhu cầu của địa phương về tuyển dụng giáo viên nên thí sinh không quá lo về cơ hội việc làm với nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong thời gian tới.

Theo đó, sinh viên ngành sư phạm đều được miễn học phí và nhận trợ cấp. Nghị định 116/2020/NĐ-CP hỗ trợ sinh hoạt cho sinh viên sư phạm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo giáo viên hiện nay. Theo đó, từ năm học 2021-2022, không những tiếp tục được miễn học phí, sinh viên sư phạm còn nhận được hỗ trợ 3,63 triệu đồng sinh hoạt phí. “Tuy nhiên, để đánh giá về sự cải thiện tình trạng tuyển sinh, về lâu dài cần có thêm dữ liệu các năm sau để đánh giá” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Còn theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM, Nghị định 116/2020-NĐ-CP ra đời nhằm hướng đến các mục tiêu: Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của các địa phương thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu, gắn với trách nhiệm của các địa phương trong đào tạo và bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp. Đồng thời, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước thông qua việc cấp đúng đối tượng, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho sinh viên sư phạm làm đúng ngành.

Mặt khác, xây dựng mức hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hợp lý, bảo đảm đủ tiền đóng học phí và cơ bản đủ chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu để sinh viên yên tâm theo học. Đồng thời, thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội, thúc đẩy việc tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên.

Ở góc độ khác, theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), để trở thành giáo viên, dù thí sinh có điểm thi cao nhưng không có sự đam mê với nghề dạy, không có tình yêu với trẻ em, không thích làm những công việc “tỉ mẩn” rất dễ “bỏ ngang”. Chính vì vậy, trong bối cảnh nghề giáo còn nhiều khó khăn, vất vả vẫn có những thí sinh chọn thi và học sư phạm không hẳn là “chuột chạy cùng sào” nữa, bởi nhiều bạn thừa điều kiện đỗ ngành “hot”, trường ĐH danh tiếng khác. Từ năm 2020, cùng với việc tiếp tục áp dụng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, các chính sách hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí của Chính phủ, sức hút của các ngành sư phạm được nâng lên…

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH

Sư phạm Hà Nội: Không chỉ là sức hút mang tính thời điểm

“Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT có nhiều đề xuất để tạo sức hút cho ngành sư phạm. Nhà nước cũng có các chính sách quan tâm hơn. Theo tôi, có 2 phương diện quan trọng: Thứ nhất, chính sách với đội ngũ nhà giáo và giáo sinh (cơ hội việc làm, thu nhập, phúc lợi và tôn vinh).

Thứ hai, cũng quan trọng không kém là mỗi nhà trường, mỗi giáo viên phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mình để chính bản thân ngành sư phạm khẳng định được vị thế trong xã hội. Lúc đó ngành sư phạm sẽ tự có sức hút bền vững và lâu dài thay vì chỉ là sức hút mang tính thời điểm”.

Đọc thêm