Không còn đường lùi

(PLO) - Hôm nay, ngày 04/10, tại Hà Nội, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) khai mạc. Đây là hội nghị rất được chờ đợi bởi Trung ương sẽ bàn thảo đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Không còn đường lùi

Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Đã hơn 30 năm trôi qua, không thể phủ nhận những thành tựu về mặt kinh tế, đời sống. Tuy nhiên, nếu “soi kỹ” đổi mới bộ máy nhân sự chưa làm được bao nhiêu; có thể thấy, chúng ta vẫn loanh quanh “tách – nhập”, “nhập bộ” thì thêm tổng cục, lắm cấp phó, tầng nấc trung gian càng ngày càng phình như một “cơ thể dị dạng”.... Cũng phải ghi nhận ít nhiều thành tựu về mặt cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành. Tuy nhiên, chừng ấy chưa đủ.

Người dân đóng thuế khó có thể chấp nhận tình trạng một bộ quá nhiều tổng cục, có lúc một tổng cục lên đến 10 – 12 phó tổng cục trưởng, “đầu mối” cục trong tổng cục chia cho các phó tổng cục trưởng không đủ... Nguyên nhân vì sao? Vì cấp hàm của người lãnh đạo, hoàn toàn không vì công việc. Người viết bài này đã từng đối thoại với một lãnh đạo ngành ở địa phương, ông than: “Chỉ khổ khâu đón tiếp và nghe các sếp trên về “chém gió”, không giúp địa phương được việc gì”.

Hiện nay ở các bộ, chỉ riêng cơ quan Đảng ngoài Ban Cán sự có Đảng ủy, Văn phòng Đảng – Đoàn thể. Chỉ riêng ghế Vụ trưởng làm công tác Đảng đã có 3 người: Chánh Văn phòng Ban Cán sự, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Chánh Văn phỏng Đảng – Đoàn thể. 

Ngoài các bộ - thành viên của Chính phủ, ở Việt Nam rất khó để thống kê các vị hưởng hàm bộ trưởng, thứ trưởng, vụ trưởng, phó vụ trưởng trở lên. Thậm chí nhiều nơi “bày đặt ra” trưởng phòng được hưởng chế độ phó cục trưởng, như một kiểu ban phát “xôi chùa”.

Thi thoảng thanh tra, kiểm toán hoặc báo chí phát hiện ra nơi này, nơi khác tiếp khách, uống bia một năm hết tiền tỷ. Không phải cơ sở ở đó tham uống mà thực tế là do buộc phải đón khách “giao lưu, học hỏi” quá nhiều. Tổ chức, đơn vị ở cơ sở cũng “nợ miệng” nhau, năm nay anh tiếp tôi, năm sau tôi đến anh. Rong chơi và kết hợp du lịch bằng tiền thuế của dân.

Không ngân sách nào nuôi nổi một cơ thể bị “tiểu đường” như thế. 

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một bài phỏng vấn báo chí gần đây nói thẳng thắn: “Tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là “cách mạng”, tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. 

Đầu thế kỷ 20 Lê - Nin khi nói về tổ chức, Người nhấn mạnh: “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo ngược nước Nga”. Vâng, tổ chức khoa học, tiên tiến sẽ có tác dụng thay đổi lịch sử, nhưng tổ chức “dị dạng” đầy rẫy những “tế bào ung thư” thì chỉ kéo lùi lịch sử, phá hủy nguồn lực của đất nước và niềm tin của nhân dân.

Chúng ta hy vọng Trung ương sẽ có những quyết sách đúng. Hy vọng hơn, quyết sách đi vào cuộc sống.

Đọc thêm