Linh hoạt về quy chuẩn của Bộ phận Một cửa
Liên quan đến tổ chức Bộ phận Một cửa, theo đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, Dự thảo Nghị định quy định tại bộ, cơ quan ngang bộ, việc tổ chức căn cứ số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, tần suất tiếp nhận hồ sơ và tình hình bố trí, trụ sở. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang bộ quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tập trung trực thuộc văn phòng bộ, cơ quan hoặc giao người có thẩm quyền quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại tổng cục hoặc tương đương và cục. Dự thảo Nghị định cũng giao cho các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao quyết định việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông phù hợp với điều kiện công tác của các đơn vị của từng bộ.
Tại các địa phương, ở cấp tỉnh chỉ quy định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh. Nếu tỉnh nào chưa đủ điều kiện thành lập Trung tâm thì giao cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cơ quan chuyên môn đó. Dự thảo Nghị định cho phép UBND TP Hà Nội, TP HCM trình HĐND thành phố quyết định số lượng Trung tâm Phục vụ hành chính công của thành phố căn cứ tần suất tiếp nhận hồ sơ TTHC, tình hình bố trí trụ sở của các cơ quan chuyên môn và điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Ở cấp huyện, UBND cấp huyện quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc văn phòng HĐND, UBND cấp huyện. Còn UBND cấp xã quyết định thành lập Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc UBND cấp xã.
Quy định dự kiến trên xuất phát từ thực tế hiện nay là các cơ quan từ trung ương đến địa phương đã tổ chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg. Riêng cấp tỉnh có 18 tỉnh, thành đã thành lập Trung tâm Hành chính công, có nơi thành lập Trung tâm hành chính công cấp huyện thì tới đây phải đổi tên gọi của trung tâm hành chính công cấp tỉnh và tổ chức lại trung tâm hành chính công cấp huyện thành Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.
Một số thành viên Hội đồng tán thành phải quy định “cứng” trong Dự thảo Nghị định về tổ chức Bộ phận Một cửa nhằm bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng không nên quy định bắt buộc phải thành lập tại văn phòng bộ, ngành, đồng thời nên rà soát để quy định rõ những lĩnh vực nào phải tổ chức Bộ phận Một cửa. Kết luận vấn đề này, Thứ trưởng Châu nhấn mạnh, cần bảo đảm sự linh hoạt trong tổ chức Bộ phận Một cửa nhưng trên tinh thần chung là đảm bảo mô hình thống nhất, còn linh hoạt ở đây phải hiểu là có thể khác nhau về quy chuẩn của Bộ phận Một cửa.
Quan tâm đến cán bộ làm việc tại Bộ phận Một cửa
Cũng theo Dự thảo Nghị định, bên cạnh tiêu chuẩn, trách nhiệm thì Nghị định cũng quy định quyền lợi của công chức làm việc tại Bộ phận một cửa cấp bộ. Cụ thể như, được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin và văn hóa ứng xử, giao tiếp với tổ chức, cá nhân; được tham gia các khóa học lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học và các lĩnh vực khác ở trong nước, nước ngoài; được hưởng chế độ bồi dưỡng không ít hơn chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và do các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể căn cứ vào khả năng ngân sách của bộ, cơ quan, địa phương và từ các nguồn hợp pháp nếu có; được nghỉ bù, nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ việc riêng; nhận lương, phụ cấp, bồi dưỡng và chế độ, chính sách khác (nếu có) tại cơ quan đã cử đến Bộ phận Một cửa. Ngoài trường hợp đột xuất, công chức được cử đến sẽ làm việc không ít hơn 6 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng băn khoăn, về chế độ chính sách, tiền lương thì hiện nay chúng ta đang phải tạm dừng lại. Còn nếu quy định trong khả năng của mình, liệu có không tạo được sự công bằng hay không. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại ủng hộ có cơ chế cho cán bộ làm việc tại Bộ phận Một cửa. Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Vũ Huy Khánh lý giải việc nên quan tâm đến cán bộ Bộ phận Một cửa như một “khoản phụ cấp cho áp lực công việc”. Ông dẫn chứng, tại quận Đống Đa, qua xem sổ Nhận xét của người dân thì có cả những ý kiến đánh giá là giải quyết kịp thời nhưng thái độ không vui vẻ. Lãnh đạo quận hàng tháng xem sổ để đánh giá cán bộ, rất áp lực cho họ, do vậy cũng cần thiết động viên cán bộ tại Bộ phận Một cửa không được làm việc riêng.