Không để lặp lại “bong bóng” bất động sản, ngân hàng yếu kém

(PLO) - Ngày 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015 tiếp tục chuyển biến và đạt được kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực nhưng vẫn nổi lên một số hạn chế, khó khăn như nhập siêu gia tăng, có thể sẽ tạo sức ép lên tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế; số lượng khách du lịch tháng 4 tăng so với tháng trước nhưng tính chung cả 4 tháng lại giảm; tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhất là hạn hán gia tăng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ; việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn…
Tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản
Lưu ý không được chủ quan, đặc biệt khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, Thủ tướng cho rằng, “Tinh thần chung là tiếp tục nỗ lực, triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm. Chúng ta đã đi được 1/3 chặng đường của năm 2015 với các cơ sở cho thấy nếu quyết liệt thì khả năng đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2015 là khả thi”.
Trên kết quả đó, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, các Bộ, ngành, địa phương phải theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của người dân.
Đồng thời xử lý, tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ một số mặt hàng nông sản. “Trước mắt phải tập trung vào các giải pháp về thị trường và tiêu thụ, về lâu dài, phải tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất” - Thủ tướng yêu cầu và thúc giục Bộ NN&PTNT tập trung và đẩy mạnh Đề án tái cơ cấu nông nghiệp. 
Xử lý kịp thời không để tích tụ bức xúc trong nhân dân
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các giải pháp bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững. “Phải hết sức chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản mà mấy năm trước đây chúng ta đã phải rất gian nan để xử lý” - Thủ tướng lưu ý trước những cảnh báo có thể xảy ra khi thị trường bất động sản đang “ấm” lên và nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đã tăng đáng kể.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tái Đề án cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2 đã được thông qua gắn với quyết liệt xử lý nợ xấu. “Đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng. Kiên quyết không để lặp lại tình trạng ngân hàng thương mại yếu kém” - Thủ tướng dứt khoát.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đại phương trong phạm vi trách nhiệm phải xử lý kịp thời những đề xuất, kiến nghị, vướng mắc, đề xuất của nhân dân, không để tích tụ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Đồng thời với việc chăm lo đời sống cho người dân, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông, chủ động cung cấp thông tin, giải trình, giải thích về tất cả những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý, nhất là những chính sách có tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.  Theo Thủ tướng, “chúng ta lo phát triển, lo cho dân nhưng phải công khai, minh bạch để người dân biết, giám sát và đồng thuận”./.
Tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ ngay sau phiên họp Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, sự cố đứt cáp quang trên biển những ngày này có nhiều nguyên nhân như ở những vùng biển nông có thể do tàu thuyền qua lại hoặc lưới, cào của người dân ảnh hưởng đến và một số nước cũng nhận định là có yếu tố phá hoại.
Vì vậy, Bộ đã cảnh báo và đề nghị các Tập đoàn viễn thông gia cố, đảm bảo an toàn các tuyến cáp quang đi qua Việt Nam, xây dựng các tuyến cáp quang mới (VNPT đã xây dựng 2 tuyến, Viettel đang đầu tư tuyến cáp quang biển) để cung cấp dịch vụ cho người dân. Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ khuyến cáo các nhà mạng, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm “xin lỗi người tiêu dùng” khi có sự cố ảnh hưởng đến dịch vụ vì đây là văn hóa kinh doanh.

Đọc thêm