“Không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường”

(PLVN) - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình tại buổi Lễ khai mạc “Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ V năm 2019” diễn ra tối ngày 16/11. 

Đây là sự kiện văn hóa trọng điểm của tỉnh Bến Tre nhằm mục đích tôn vinh cây dừa, sản phẩm từ dừa và những đóng góp của nghệ nhân trong giữ gìn và phát huy nét đẹp đặc trưng của “Quê hương Đồng Khởi anh hùng”.

Tham dự buổi Lễ có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TW, địa phương qua các thời kỳ và đông đảo nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham dự.

Biểu tượng của đất và người Bến Tre

Đã từ lâu, cây dừa là biểu tượng của đất và người Bến Tre, nơi đây được xem là “Thủ phủ dừa” với diện tích gần 72.000ha (chiếm 50% diện tích dừa cả nước), 163.000 hộ dân trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái.

Song song đó,  kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh Bến Tre. Đáng chú ý, các sản phẩm từ dừa đã có mặt trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu thích thú với sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ dừa tại tỉnh Bến Tre
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu thích thú với sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ dừa tại tỉnh Bến Tre

Trên thực tế, để tận dụng lợi thế và phát huy tối đa tiềm năng những gì thiên nhiên đã ưu ái, những địa phương có diện tích trồng dừa lớn như Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam… cũng đã có những định hướng và giải pháp vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang trồng dừa theo phương pháp hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp để được bao tiêu sản phẩm, ổn định chất lượng và đầu ra của trái dừa. Quá trình này cần được tiếp tục đẩy mạnh, nhất là khi vẫn còn nhiều nông dân có tâm lý e ngại chuyển đổi phương thức canh tác vì thiếu điều kiện đầu tư.

Với chủ đề “Cây dừa trên con đường hội nhập và phát triển bền vững”, Lễ hội dừa năm nay diễn ra từ ngày 14 đến ngày 20/11. Hoạt động nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm từ dừa đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời, là dịp để tôn vinh những nghệ nhân, nhà vườn đã gắn bó hết mình để phát huy những giá trị mà thiên nhiên ban tặng.

Điểm nhấn của Lễ hội lần này là “Ngày hội áo bà ba” nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Nam Bộ; biểu diễn nghệ thuật đường phố - trang phục dừa. Song Song đó, kết hợp quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái đem lại cho mọi người hiểu biết sâu hơn về văn hóa dừa và hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Bến Tre. Ngoài ra, đây còn là dịp giao lưu, trau dồi kinh nghiệm trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy liên kết, từng bước nâng cao chuỗi giá trị của sản phảm từ cây dừa mang lại.

Theo Ban tổ chức, trong khuôn khổ nội dung trọng tâm của Lễ hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Liên hoan ẩm thực dừa Nam Bộ; triển lãm sản phẩm dừa và hội chợ thương mại; Hội thi "Người đẹp xứ dừa mở rộng”, Hội thảo “Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”.

Nhiều kỳ vọng nơi mệnh danh “thủ phủ dừa” cả nước

Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình khẳng định, cây dừa được xem là hình ảnh quê hương, biểu tượng văn hóa tâm linh đời thường của người dân. Có thể nói, Bến Tre là vựa dừa, thủ phủ của cả nước. Từ lâu, nghề trồng dừa được xem là sắc thái văn minh, song hành cùng những giai đoạn thăng trầm lịch sử. Hình ảnh cây dừa đối với người dân đã hết sức quen thuộc, là biểu tượng mang dấu ấn văn hóa cách mạng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến giành độc lập, hòa bình.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình yêu cầu địa phương có biện pháp phát huy thế mạnh kinh tế từ cây dừa, không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình yêu cầu địa phương có biện pháp phát huy thế mạnh kinh tế từ cây dừa, không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường

Phó Thủ tướng kỳ vọng, trong tương lai cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước có ngành dừa phát triển, để sản phẩm dừa của chúng ta có nhiều sản phẩm mới, đa dạng về chủng loại, có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Đồng thời hợp tác sâu rộng, chặt chẽ giữa các tỉnh trồng dừa trong nước.  

“Tuy vậy, cây dừa và các sản phẩn từ dừa có những bước thăng trầm, chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm từ dừa đa dạng nhưng mang giá trị chưa cao, người trồng dừa biết tận dụng tuy thoát nghèo chứ chưa thể làm giàu”, Phó Thủ tướng cũng trăn trở.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre cần không ngừng đổi mới, năng động sáng tạo, chuyển hóa khó khăn, thách thức thành sức mạnh để giữ gìn và phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế địa phương, từng bước nâng cao đời sống người dân, tuyệt đối không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường trong nước và quốc tế.

Đọc thêm