Không để xảy ra sai sót khi đoàn công tác Trung Quốc đến kiểm tra dừa tươi Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung tại Hội nghị "Phổ biến quy định xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc” diễn ra vào sáng nay - 6/9.

Không chủ quan để xảy ra sai sót khi đoàn Trung Quốc kiểm tra

Dừa tươi là một trong những mặt hàng nông sản mà Việt Nam có thế mạnh. Hiện nước ta có 15 tỉnh trồng nhiều dừa với diện tích khoảng 200.000 ha dừa, sản lượng đạt 2 triệu tấn. Trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn, 320.000 tấn các sản phẩm chế biến từ dừa.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây vừa là cơ hội để mở rộng thị trường dừa của Việt Nam và là căn cứ pháp lý để chúng ta tổ chức, liên kết lại sản xuất cây trồng này bài bản, hiệu quả hơn.

Dừa tươi Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa

Dừa tươi Việt Nam sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, hiện Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của chúng ta.

Đại diện Bộ NN&PTNT Việt Nam cho biết thêm, khoảng ngày 11-12/9 tới, đoàn công tác của Trung Quốc sang Việt Nam kiểm tra công tác chuẩn bị các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam để phục vụ xuất khẩu dừa tươi sang nước bạn.

Để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của nước bạn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu 15 tỉnh, thành đang trồng nhiều dừa cần phải nắm bắt, nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị các vấn đề, tài liệu liên quan theo quy định theo nghị định thư đã được ký kết giữa Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tiếp đón, cung cấp thông tin liên quan cho đoàn nhanh chóng và thuận lợi.

"Tránh trường hợp như các lần kiểm tra trước đây, các địa phương báo cáo đã sẵn sàng nhưng khi đoàn của Trung ương về kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm, lần này chúng ta phải chuẩn bị kỹ hơn, không để chủ quan xảy ra sai sót khi đoàn kiểm tra đến kiểm tra." - Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: "Trong lần kiểm tra này, địa phương, đơn vị nào để xảy ra vi phạm sẽ loại ngay, lần sau đoàn sẽ không kiểm tra và không cho các cơ sở ở nơi đó đăng ký xuất khẩu.".

Nghiêm túc thực hiện các quy định trong nghị định thư đã được ký kết

Để dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các điều trong nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Cụ thể, dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn(≦5cm); và dừa không có vỏ), phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm (xem Phụ lục), cành, lá và đất.

Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT Việt Nam được cả Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Trước khi xuất khẩu, Bộ NN&PTNT phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên.

Cần nghiêm túc thực hiện các quy định tại nghị định thư được ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Cần nghiêm túc thực hiện các quy định tại nghị định thư được ký kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm.

Các hoạt động giám sát và quản lý dịch hại phải được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và cán bộ kỹ thuật phải được Bộ NN&PTNT hoặc đơn vị do Bộ ủy quyền tập huấn.

Tất cả các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu. Bộ NN&PTNT hoặc cán bộ được Bộ ủy quyền sẽ giám sát quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển dừa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đại diện Cục BVTV thông tin thêm, nếu trong lần kiểm tra tới đây của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đạt yêu cầu, các đơn vị cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng đảm bảo đúng quy định trong nghị định thư, thì khoảng sau 2 tuần sau đó, sản phẩm dừa tươi của Việt Nam sẽ được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đọc thêm