Không để xảy ra tình trạng oan sai, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức

(PLVN) - Cần quán triệt các đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng oan sai, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án…
Một hội nghị tập huấn nghiệp vụ bồi thường nhà nước theo hình thức trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức.
Một hội nghị tập huấn nghiệp vụ bồi thường nhà nước theo hình thức trực tuyến do Bộ Tư pháp tổ chức.

Với vị trí, tầm quan trọng của công tác bồi thường nhà nước, các cơ quan có liên quan đều khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, thụ lý giải quyết kịp thời các yêu cầu bồi thường, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, nhất là với các trường hợp oan sai. Tuy nhiên, quá trình giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đòi hỏi cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm trong khi thi hành công vụ, không để xảy ra tình trạng oan sai, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức.

Nhiều vụ bồi thường phức tạp được giải quyết, dư luận rất đồng tình

Để tạo thuận lợi cho người có yêu cầu bồi thường nhà nước (BTNN), từ cuối năm 2019, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2019/TT-BTP quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu BTNN. Theo đó, Thông tư đã hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu BTNN đối với vụ việc đã có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Nội dung hướng dẫn bao gồm: Quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại; Trách nhiệm của cơ quan giải quyết bồi thường; Trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; Phục hồi danh dự; Việc chi trả tiền bồi thường.

Cụ thể, trường hợp người bị thiệt hại trình bày trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn thì người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người bị thiệt hại viết văn bản yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn hoặc ghi lại nội dung yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn bằng văn bản và yêu cầu người bị thiệt hại ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Việc hỗ trợ, hướng dẫn được thực hiện bằng các hình thức sau: Hỗ trợ, hướng dẫn bằng văn bản; Hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn và các tài liệu, giấy tờ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có), cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn vào sổ tiếp nhận, xử lý yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn. Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày vào sổ tiếp nhận, xử lý yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, hướng dẫn cử người hỗ trợ, hướng dẫn.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày được cử, người hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu BTNN theo trình tự sau: Lập báo cáo về vụ việc; Phân loại vụ việc thuộc các lĩnh vực phát sinh trách nhiệm BTNN; Nghiên cứu, đề xuất giải quyết đối với yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn (trường hợp thuộc thẩm quyền cơ quan mình và đúng đối tượng được hỗ trợ, hướng dẫn; trường hợp yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn cần thống nhất nội dung hỗ trợ, hướng dẫn với các cơ quan có trách nhiệm phối hợp; trường hợp yêu cầu hỗ trợ có khó khăn, vướng mắc trong quá trình yêu cầu bồi thường).

Ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) trong ngày được công khai xin lỗi vì bị kết án oan.

Ông Trần Văn Thêm (Bắc Ninh) trong ngày được công khai xin lỗi vì bị kết án oan.

Cùng với Thông tư 09 này còn có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 như Nghị định số 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN và Thông tư số 04/2018/TT-BTP ban hành một số biểu mẫu trong công tác BTNN, Thông tư số 08/2019/TT-BTP quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý về công tác BTNN… Nhờ vậy, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm như vụ việc của ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh, ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận..., được nhân dân và dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội ở địa phương.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường nhà nước

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn như, vấn đề xác định thiệt hại và mức bồi thường theo quy định còn nhiều bất cập; trách nhiệm chứng minh thiệt hại của người yêu cầu trong nhiều trường hợp là rất khó khăn và mất nhiều thời gian cho việc thu thập chứng cứ do có những thiệt hại xảy ra đã lâu không thể chứng minh được cụ thể thiệt hại xảy ra.

Ngoài ra, một số quy định pháp luật nói chung và Luật TNBTCNN năm 2017 còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhận thức và cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình thương lượng để bồi thường thiệt hại, làm cho việc giải quyết yêu cầu bồi thường bị kéo dài. Sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn xác định thiệt hại trong một số trường hợp chưa tốt. Một số trường hợp, việc giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cũng gặp nhiều khó khăn do người bị thiệt hại hiểu biết chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về TNBTCNN nên trong quá trình giải quyết bồi thường, người bị thiệt hại không thực sự hợp tác với cơ quan có trách nhiệm bồi thường làm kéo dài thời gian giải quyết của các cơ quan chức năng.

Trên cơ sở đó, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết các yêu cầu bồi thường thiệt hại, cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về bồi thường. Đồng thời, xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong hoạt động giải quyết BTNN và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan bổ trợ tư pháp như định giá, giám định, cung cấp chứng cứ… để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến BTNN.

Không những thế, cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến về Luật TNBTCNN năm 2017 tới cán bộ, công chức để nâng cao ý thức trách nhiệm trong khi thi hành công vụ; tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức được tiếp cận và hiểu rõ các quy định của pháp luật về BTNN, từ đó có ý thức trong việc tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt, cần quán triệt các đơn vị nâng cao ý thức trách nhiệm, không để xảy ra tình trạng oan sai, gây thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án…

Đọc thêm