'Không được cài cắm câu chữ để “gài bẫy” doanh nghiệp'

(PLO) - Đó là yêu cầu của Thủ tướng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt lại khi chủ trì buổi kiểm tra 16 bộ, ngành trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, diễn ra hôm qua (28/2).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại  buổi kiểm tra.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi kiểm tra.

Vẫn còn nhiều quy định mang tính hô hào

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2017, phát triển kinh tế - xã hội đã đạt nhiều kết quả nổi bật và ghi những dấu ấn về nỗ lực, giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Năm 2018, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu tập trung đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), trong đó rất chú trọng nâng cao năng suất lao động, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương với tinh thần cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục, danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Bộ trưởng Dũng cho biết, đây là vấn đề Thủ tướng rất quan tâm.

“Thủ tướng yêu cầu các bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, các điều kiện kinh doanh, thủ tục gây khó khăn cho DN, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho DN. Việc cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không cắt giảm cơ học thuần túy, không chỉ sửa câu chữ, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đến nay Bộ Y tế vẫn còn 802 mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được ở danh mục các sản phẩm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tức vẫn còn hơn 400 mặt hàng nữa cần cắt giảm, nằm ở lĩnh vực thiết bị y tế, dược… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa xem xét với 128 mặt hàng cũng như 37 bộ thủ tục hành chính. Bộ Tài nguyên và Môi trường có 132 mặt hàng mà đến nay chưa đề xuất cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, như vậy cần 55 mặt hàng cần xem xét. Còn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có 127 mặt hàng chưa đề xuất cắt giảm, như vậy cần đề xuất cắt giảm với ít nhất 64 mặt hàng, có 9 bộ thủ tục hành chính chưa đề xuất cắt, tức có 5 bộ thủ tục thuộc diện cần đề xuất xem xét.

Về lĩnh vực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hiện số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm so với trước đây nhưng vẫn còn khá nhiều, tới 243 ngành nghề. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng nhiều điều kiện kinh doanh còn quy định chung chung, hô hào như kiểu “phải sạch sẽ”, “phải rõ ràng”, “phải phù hợp”… còn gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện, lượng hoá. “Phải tránh ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh cài cắm câu chữ để “gài bẫy” DN. Nhiều DN than thở là họ bị bẫy, cơ quan chức năng vui vẻ thì qua, không vui thì bắt ngay cũng được. Vậy nên cần xem xét, có hướng sửa cho việc này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nhiều bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng cũng chỉ rõ tên và nhắc nhở một số bộ thực hiện chậm trễ, để quá hạn nhiệm vụ được giao. “Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2030 nhưng đến nay bộ này vẫn thiếu bản quy hoạch của nhiều tỉnh, thành, làm chậm kế hoạch của địa phương. Hay Thủ tướng giao Bộ GTVT thi công thí điểm 1km đường cao tốc mẫu để làm định mức xác định chi phí, tính thời gian thu phí hoàn vốn cho các dự án để minh bạch tới dư luận. Thời hạn đầu tiên cho việc thực hiện nhiệm vụ này được đề ra cho Bộ GTVT là tháng 10/2016, rồi gia hạn tới 31/7/2017 nhưng quá hạn đã lâu mà chưa hoàn thành nhiệm vụ” - Bộ trưởng Dũng nêu rõ.

Tình trạng tương tự là nhiệm vụ giao Thanh tra Chính phủ thanh tra một số dự án như cảng Quy Nhơn, nhiệm vụ giao các bộ báo cáo về cảng Cái Mép, cảng Thị Vải… “Với những việc chậm trễ này các bộ phải chủ động rà soát lại, tinh thần là không việc gì bỏ sót”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Đọc thêm