DN phản ứng về Nghị định 116: Sẽ tiếp thu nghiêm túc và đưa ra giải pháp sớm nhất

(PLO) - Trước hàng loạt phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, hôm qua (26/2), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì Hội nghị với các hiệp hội, doanh nghiệp và cơ quan có liên quan để lắng nghe, thảo luận.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính phủ sẽ lắng nghe thấu đáo

Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô được ban hành ngày 17/10/2017. Sau khi ban hành, Nghị định này đã nhận được những ý kiến phản hồi từ phía các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã có động thái ngừng nhập khẩu xe vào Việt Nam.

Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 03/2018/TT-BGTVT nhằm hướng dẫn Nghị định 116/2017 về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô ngoại nhập, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Tuy vậy, Thông tư này lại tiếp tục nhận được phản hồi trái ngược từ nhiều doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng bắt tay ngay vào những ngày đầu, tháng đầu sau kỳ nghỉ Tết, đồng thời yêu cầu tập trung những tồn đọng, vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh để đạt những kết quả về phát triển.

Với mục tiêu Chính phủ hành động, liêm chính kiến tạo, lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp để từ đó các Bộ sẽ tổng hợp và giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. “Có những vấn đề, ngay cả vấn đề giấy chứng nhận xe ô tô, đường thử, cơ sở sửa chữa bảo hành, vấn đề kiểm tra theo lô… là những nội dung chúng tôi cần lắng nghe thêm để đảm bảo những vấn đề của Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam là nước đang phát triển, hội nhập sâu rộng, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, song cũng cần có bước đi của mình. Việt Nam tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô, nhưng cũng cần bảo đảm nền sản xuất tự chủ; không đặt vấn đề bảo hộ tuyệt đại đa số với sản xuất trong nước nhưng cũng phải có quan tâm một mức độ nào đó.

Theo Bộ trưởng Dũng, với các nhà đầu tư trong lĩnh vực ô tô, Việt Nam đã có những chủ trương, cơ chế, chính sách hết sức nhất quán để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy cần lắng nghe thấu đáo hơn để xem xét lại những vấn đề liên quan đến Nghị định 116. Sau đó có đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nguyên tắc các chính sách của Việt Nam và các thông lệ của quốc tế.

Còn nhiều băn khoăn

Phát biểu tại Hội nghị, có nhiều ý kiến trái chiều được các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất nội địa và doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đưa ra để bảo vệ quan điểm của mình.

Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, Nghị định 116 và Thông tư 03 gây ra hệ quả không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/1/2018. “Nghị định 116 làm gián đoạn và ngưng hầu hết hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam từ các nước. Nghị định làm tăng chi phí và thời gian khiến giá xe tăng cao, đồng thời kéo dài thời gian chờ của khách hàng, tạo sự thiếu công bằng giữa các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô trong nước và nhà đầu tư nước ngoài”- đại diện VAMA nhận định và cho biết, Nghị định này khiến nhiều nhà đầu tư đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam thậm chí phải ngừng hoạt động chỉ vì quy định đường thử.

Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), Tổng Giám đốc Ford Việt Nam nhận thấy yêu cầu về giấy chứng nhận kiểu loại là không phù hợp với thông lệ quốc tế. “Bởi thường thì yêu cầu này thuộc về nước nhập khẩu. Nước nhập khẩu xe sẽ đứng ra đánh giá thử nghiệm với các yêu cầu, tiêu chuẩn của mình. Các nước xuất khẩu chỉ cấp giấy này cho các sản phẩm tiêu thụ nội địa”, ông Dũng nhấn mạnh và cho biết: “Hiện Ford vẫn chưa dám nhận đơn hàng vì nếu xe không đạt yêu cầu sẽ phải buộc tái xuất, nhưng tái xuất đi đâu là cả một vấn đề, vì các nước có những yêu cầu khác nhau”.

Theo ông Toru Kinoshita - Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam, Nghị định 116 khiến tăng chi phí và thời gian thông quan, làm thời gian xe nhập về và đến tay khách hàng chậm hơn, phải chờ đợi thêm. Do vậy, đại diện doanh nghiệp Mỹ cho rằng, một số quy định trong Nghị định gây ra khác biệt giữa nhà sản xuất ô tô và nhập khẩu ô tô trong nước”. Chúng tôi đề nghị tạm hoãn Nghị định 116 để xem xét lại cho rõ ràng hơn, Chính phủ cũng giải thích rõ hơn Nghị định này cũng như Thông tư 03 của Bộ GTVT để chúng tôi cân nhắc việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam”, đại diện doanh nghiệp Mỹ nói.

Trong khi đó, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải khẳng định giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Nhưng giấy chứng nhận này không nhất thiết phải do cơ quan nhà nước các nước cấp, mà có thể do các tổ chức có thẩm quyền khác, chẳng hạn xe của Đức có thể xin các giấy chứng nhận từ các tổ chức ở quốc gia khác…

Sau khi lắng nghe tất cả 16 ý kiến, phát biểu kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ông không kết luận vấn đề tại Hội nghị mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. “Chậm nhất, trong tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề”, Bộ trưởng Dũng cho biết và đề nghị Bộ Công Thương, Bộ GTVT và các cơ quan của Văn phòng Chính phủ tiếp thu, đưa ra các lý giải hết sức thỏa đáng với các doanh nghiệp. 

Đọc thêm