Mặc dù đã có quy định thưởng cho người tố cáo tham nhũng nhưng tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) qua một số lĩnh vực, các chuyên gia từ Viện Chính sách công và pháp luật và Tổ chức Hướng tới minh bạch cùng nhận thấy, việc thiếu đi cơ chế bảo vệ càng khiến người tố cáo cảm thấy đơn độc và bị cô lập.
Người tố cáo luôn có nguy cơ bị trù dập, trả thù
Đa số các trường hợp tố cáo trong thực tế, được phản ánh trên báo chí cũng cho thấy: người tố cáo luôn có nguy cơ bị trù dập, trả thù. Việc thiếu đi cơ chế bảo vệ càng khiến người tố cáo cảm thấy đơn độc và bị cô lập.
Đó là hoàn cảnh mà ông Lê Xuân Mậu (nguyên cán bộ Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam), người đã tố cáo Tổng Giám đốc Công ty về hàng loạt sai trái tại doanh nghiệp, ông Lê Phước Cẩm, người đã vạch trần vụ phá rừng Khe Diên (Quảng Nam)… đã trải qua.
Trong khi hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn thấp, các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện chủ yếu thông qua tố cáo. Song đến nay vẫn chưa có quy chế để bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Các cơ quan bảo vệ người tố cáo quá nhiều nhưng chồng chéo về chức năng mà không có cơ quan chuyên biệt bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Các biện pháp, điều kiện bảo vệ người tố cáo còn mang tính định tính, chưa được cụ thể hóa.
Cần một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Những bất cập của thực tiễn bảo vệ người tố cáo ở Việt Nam đòi hỏi phải thiết lập một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng để khuyến khích người dân tham gia PCTN.
Hoàn thiện thủ tục giải quyết yêu cầu bảo vệ người tố cáo và cụ thể hoá các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Theo đó, pháp luật PCTN cũng cần có các quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng tương ứng với các quy định trong Luật Tố cáo đối với yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, vị trí, việc làm và thu nhập của người tố cáo.
Với nhiều chuyên gia, cần có một cơ quan chuyên trách bảo vệ người tố cáo với các biện pháp cụ thể. Bà Tạ Thị Minh Lý (Giám đốc Quỹ bảo trợ tư pháp cho người nghèo) cho rằng, cần trao trách nhiệm bảo vệ người tố cáo tham nhũng cho chính các cơ quan PCTN.
Trước cơ chế bảo vệ người tố cáo nói chung và tố cáo tham nhũng nói riêng hiện nay, ThS Nguyễn Văn Thịnh (Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp – Bộ Công an) kiến nghị ban hành Luật Bảo vệ người tố cáo.
Trong đó, thiết lập Chương trình bảo vệ nhằm bảo vệ người tố giác, tội phạm, người làm chứng, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ.
Trong Khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 về quan điểm và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với tham nhũng, chỉ có 38% số người được hỏi sẵn sàng tố cáo tham nhũng.
Lý do phổ biến khiến người dân e ngại tố cáo tham nhũng là “chẳng thay đổi được gì” (51%) và “sợ gánh chịu hậu quả” (28%). Theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới, 62% số người được hỏi trả lời lý do khiến họ không tố cáo tham nhũng là “sợ bị trả thù”.