Tham nhũng trốn được "nhờ" Luật chưa chặt?

(PLO) - Khảo sát phục vụ xây dựng dự thảo Báo cáo khảo sát 10 năm thi hành Luật PCTN cho thấy, tỷ lệ người dân trả chi phí ngoài quy định và các nhóm xã hội quan tâm đến tham nhũng là không đổi trong 10 năm gần đây. Các hành vi đưa và nhận hối lộ hầu như không loại trừ đối với người dân nào....
Tham nhũng vặt diễn ra tràn lan, phổ biến, trong mọi hoàn cảnh.
Tham nhũng vặt diễn ra tràn lan, phổ biến, trong mọi hoàn cảnh.

Sáng nay (28/6), Viện Chính sách công và pháp luật với sự hỗ trợ của Tổ chức Hướng tới minh bạch tổ chức Hội thảo “bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng qua một số lĩnh vực.

Kê khai tài sản thực hiện theo kiểu “trống giong cờ mở”

Từ thực tiễn thi hành Luật PCTN có thể thấy công khai, dân chủ còn nhiều hạn chế (chẳng hạn hoạt động cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư dự án, xây dựng,...); còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện công khai, minh bạch.

Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn hiện rất yếu; việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện một cách tràn lan, hình thức theo kiểu “trống giong cờ mở” mà không có sự lựa chọn; pháp luật chưa xử lý được tình huống tài sản tăng thêm mà không giải trình rõ nguồn gốc.

Hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ là phổ biến, nhất là tại cấp cơ sở. Tham nhũng vặt diễn ra tràn lan, phổ biến, trong mọi hoàn cảnh. Theo đó, các hành vi đưa và nhận hối lộ hầu như không loại trừ đối với người dân nào....

Nhưng công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế. Hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn thấp.

Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít.

Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.

Từ thực tiễn thi hành Luật PCTN,cơ chế dân sự trong xử lý tài sản tham nhũng để thu hồi tài sản tham nhũng trước khi xét xử vụ án tham nhũng…
Từ thực tiễn thi hành Luật PCTN,cơ chế dân sự trong xử lý tài sản tham nhũng để thu hồi tài sản tham nhũng trước khi xét xử vụ án tham nhũng…

Tham nhũng “trốn” được nhờ Luật không truy nguyên nguồn gốc tài sản

Những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện Luật PCTN được khẳng định xuất phát từ chính những bất cập của Luật PCTN như việc xử lý hành chính hành vi tham nhũng là khoảng trống rất lớn và hầu như chưa được thực hiện.

Cùng với đó, Luật cũng chưa quy định rõ về tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc và phương thức xử lý đối với những tài sản này nên pháp luật hiện hành vẫn thiếu các biện pháp hữu hiệu nhằm truy nguyên nguồn gốc tài sản.

Pháp luật chưa quy định rõ thu hồi tài sản tham nhũng ở trong nước và có yếu tố nước ngoài; chưa quy định rõ các trường hợp thu hồi tài sản tham nhũng trước và sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật;…

Do đó, hầu hết những người được hỏi đều cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức PCTN; cần thay đổi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị chuyên trách PCTN…

Có đến 87,3% người dân được hỏi đề nghị sửa đổi căn bản các quy định về kê khai tài sản, thu nhập theo hướng thà ít mà tốt, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản.

Theo đề xuất của Tổ chức Hướng tới minh bạch, sửa đổi Luật PCTN cần củng cố, nâng cao hiệu quả của các quy định về  phòng ngừa tham nhũng.

Đồng thời, cần nghiên cứu, cân nhắc và đưa vào Luật cơ chế dân sự trong xử lý tài sản tham nhũng để thu hồi tài sản tham nhũng trước khi xét xử vụ án tham nhũng…

Số liệu công bố tại Hội thảo cho biết, chỉ tính riêng 5 năm (2007-2012), cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp.

Để xây dựng dự thảo Báo cáo khảo sát 10 năm thi hành Luật PCTN (được tổ chức ngày 24/3/2016), đại diện Công ty tư vấn Monaco đã khảo sát 1.098 người thuộc 3 nhóm đối tượng (cán bộ công chức, cán bộ doanh nghiệp, người dân) trên cả nước.

Theo đó, tham nhũng càng ngày càng được nhiều người đánh giá là “phổ biến” và “rất phổ biến”; các nhóm đối tượng được khảo sát đều bình chọn tham nhũng là 1 trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay.

Đặc biệt, cán bộ, công chức xếp tham nhũng là vấn đề số 1 trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường.

Tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp; tỷ lệ người dân trả chi phí ngoài quy định và các nhóm xã hội quan tâm đến tham nhũng là không đổi trong 10 năm gần đây;

Đa số những người được hỏi đều đánh giá tham nhũng không giảm trong 10 năm qua, việc thi hành biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn hạn chế, nhất là các biện pháp tác động đến cá nhân.

Hiệu quả thực hiện cơ chế phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa cao. Tỷ lệ tài sản tham nhũng được thu hồi rất thấp (chỉ 3,8% đối tượng khảo sát cho rằng tỷ lệ thu hồi là “cao”).

Đọc thêm