Gần 50% số vốn xã hội hóa “biến mất”
Xã Hợp Châu là xã trung tâm của huyện Tam Đảo, để về đích trong quá trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã này đã tiến hành việc xây dựng và cải tạo chợ Hợp Châu cũ, với mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa trong quy hoạch phát triển chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chợ được thiết kế 2 dãy nhà chính, mỗi dãy có diện tích 432m2 được chia thành các ki ốt nhỏ, diện tích 5m2 và 5 dãy nhà phụ, 82 ô ngoài trời.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có hơn 300 triệu đồng trong số tiền hơn 700 triệu đồng thu từ nguồn vốn xã hội hóa bị “biến mất” lạ kỳ, khiến dư luận bất bình. Thanh tra huyện Tam Đảo đã vào cuộc và có Kết luận số 08/KL-TTr ngày 25/02/2016 về những sai phạm trong việc quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, cải tạo chợ Hợp Châu.
Về quản lý đầu tư xây dựng công trình, kết luận nêu: “Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Trường An và chủ đầu tư là UBND xã Hợp Châu trong quá trình giám sát thi công, một số bộ phận thi công chưa đúng thiết kế khi nghiệm thu vẫn công nhận, chưa đúng quy định Điểm b,c khoản 2 Điều 90 Luật Xây dựng”.
Những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tiền nhân dân đóng góp xây dựng chợ: Thường vụ Đảng ủy xã có họp và đưa ra mức thu, nhưng UBND xã Hợp Châu không báo cáo HĐND, để HĐND xã quyết định là chưa đúng với quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Phòng chống tham nhũng. Việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng công trình, lập quỹ trong phạm vi địa phương phải lấy ý kiến nhân dân và được HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.
Việc UBND xã không giao cho cán bộ kế toán ngân sách xã mà giao cho thủ quỹ, văn thư thu, quản lý khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân xây dựng chợ là chưa đúng quy định khoản 2 Điều 11 Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn.
Đáng chú ý, UBND xã Hợp Châu không nộp đầy đủ số tiền nhân dân đóng góp xây dựng chợ và phản ánh, hạch toán vào tài khoản ngân sách xã số tiền 367.100.000đ vi phạm khoản 4 Điều 11, hoản 2 Điều 13 Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ; khoản 1 Điều 11 Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước.
Được biết, nguyên nhân để xảy ra những sai phạm trên là do trình độ, năng lực chuyên môn của một số cán bộ, công chức xã Hợp Châu còn yếu. Tiếp đó là do công tác quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách của lãnh đạo xã còn yếu, thiếu kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo UBND xã Hợp Châu và cán bộ thu, giữ tiền nhân dân đóng góp xây dựng chợ (thủ quỹ, văn thư xã).
Theo đó, Thanh tra huyện Tam Đảo yêu cầu UBND xã Hợp Châu phải nộp Kho bạc Nhà nước số tiền 315.800.000đ, đồng thời rà soát lại các hộ cần hoàn trả lại tiền đã nộp, nhưng không bốc thăm vị trí kinh doanh và các hộ đã nộp nhưng vượt số tiền so với vị trí kinh doanh đã bốc thăm; số tiền còn lại UBND xã phải sử dụng đúng mục đích cho đầu tư xây dựng chợ. Báo cáo kết quả thực hiện, đồng thời, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân có liên quan về các sai phạm.
Nhận “kiểm điểm rút kinh nghiệm” cho sai phạm hàng trăm triệu
Lý giải về những sai phạm, ông Đào Xuân Định - Chủ tịch UBND xã Hợp Châu cho biết: “Do nhu cầu của người dân để phát triển kinh doanh là quá lớn, hơn 600 hộ nhưng chỉ có 200 ô và do kế toán nghỉ sản nên xã phải giao cho văn thư, thủ quỹ thực hiện việc thu tiền của người dân”.
Ông Định cũng cho biết, xã hoàn toàn nhất trí với Kết luận số 08 của Thanh tra, đã có báo cáo về kết quả thực hiện và đã nộp toàn bộ số tiền 315.800.000đ vào kho bạc.
Việc thoái trả tiền cho các hộ, UBND xã đã nghiêm túc chỉ đạo Ban quản lý chợ tiến hành rà soát, thông báo cho các hộ lên nhận tiền theo quy định và hoàn trả cho các hộ nộp thừa số tiền 87.900.000đ; số tiền còn lại 227.900.000đ vẫn gửi ở kho bạc.
Mặc dù sai phạm như vậy, nhưng UBND xã Hợp Châu chỉ nhận “kiểm điểm sâu sắc và rút kinh nghiệm”. Đối với các cá nhân có liên quan gồm: Ông Đào Xuân Định — Chủ tịch UBND xã; ông Trần Văn Bình — Phó chủ tịch UBND xã — Trưởng Ban quản lý chợ; bà Phạm Thị Phương Hạnh — Văn thư UBND xã; bà Trịnh Thị Tuyết — Thủ quỹ UBND xã, cũng chỉ nhận hình thức kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm?
Lý giải về hình thức kỷ luật, ông Định cho rằng: “Hiện nay các hộ dân đã đồng ý và không còn thắc mắc gì, những vi phạm trên không để lại hậu quả nên không có quyết định kỷ luật mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm”. Song dư luận cho rằng, hình thức kỷ luật như vậy là không thỏa đáng.