Điểm nhấn giữa vùng chè đặc sản Tân Cương
Không gian Văn hóa Trà Tân Cương là điểm kết nối trung tâm trong chuỗi du lịch xanh, trải nghiệm văn hóa trà với phát triển du lịch cộng đồng vùng chè Tân Cương và các điểm đến lân cận như làng nhà sàn sinh thái Thái Hải, khu du lịch Hồ Núi Cốc…
|
Không gian Văn hóa Trà Tân Cương là nơi lưu giữ hồn trà, thấm đẫm tinh hoa đất trời Thái Nguyên |
Không gian văn hóa trà Tân Cương được xây dựng tại xóm Soi Vàng, xã Tân Cương, TP Thái Nguyên, nơi được coi là trung tâm của vùng chè đặc sản. Công trình được khởi công nhân dịp Thái Nguyên tổ chức Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất năm 2011, mang ý nghĩa là một thiết chế văn hóa chuyên đề về trà.
Với quy mô hơn 1,6ha, trong đó tòa nhà chính có quy mô hai tầng với diện tích xây dựng 1.000m². Ngoài không gian kiến trúc, công trình còn bao gồm sân khấu ngoài trời, sân cỏ tổ chức lễ hội nghề chè, đồi chè cảnh quan, cụm điêu khắc bộ ấm trà bằng gốm sứ… tạo nên tổ hợp văn hóa – du lịch hấp dẫn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên vùng trung du.
Không gian Văn hóa Trà Tân Cương là nơi trưng bày chính với nhiều chuyên đề đặc sắc. Trong đó, có không gian tái hiện mô hình đồi chè Tân Cương thu nhỏ, bộ sưu tập ấm chén pha trà truyền thống, các hiện vật ghi nhận kỷ lục Guinness về văn hóa trà qua các kỳ Festival Trà.
|
Hiện vật bộ ấm chén pha trà lưu giữ trong Không gian Văn hóa Trà Tân Cương |
Một khu vực chuyên biệt giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển nghề trồng – chế biến chè Thái Nguyên, với các tư liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình lao động, sáng tạo và gìn giữ truyền thống. Khu vực này cũng giới thiệu quy trình chế biến chè từ thủ công truyền thống tới hiện đại.
Du khách tham quan có thể nhìn thấy đầy đủ các loại dụng cụ hái, sao, vò chè, mô hình máy móc chế biến công nghiệp, cùng hàng loạt ảnh tư liệu về các kỳ liên hoan trà, các hoạt động xúc tiến thương mại – du lịch gắn với chè.
Ngoài ra, còn có khu vực giới thiệu hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên thăm các vùng chè nổi tiếng, qua đó thể hiện sự quan tâm của các cấp đối với sự phát triển của ngành chè.
Tính đến năm 2025, Không gian Văn hóa Trà Tân Cương đang lưu giữ gần 400 tư liệu, hiện vật, ảnh chuyên đề và hàng trăm mẫu sản phẩm trà đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Những bộ sưu tập này giúp khắc họa diện mạo đầy đủ về vùng đất, con người và kỹ nghệ làm trà của Thái Nguyên – nơi được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà" của cả nước.
|
Hiện vật tái hiện hoạt động chế biến chè |
Không chỉ là nơi trưng bày tĩnh, công trình còn phục vụ các hoạt động biểu diễn, giáo dục trải nghiệm như thi hái chè, trình diễn sao chè truyền thống, hội thảo nghề chè, giao lưu giữa nghệ nhân với học sinh, sinh viên...
Bà Trần Thị Nhiện, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, cho biết. “Đơn vị đã kiến nghị và đề xuất cấp trên thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động bảo tàng và quản lý, khai thác tại Không gian Văn hoá Trà Tân Cương”.
"Thực hiện số hóa hệ thống tài liệu, hiện vật và chuyên đề trưng bày trên nền tảng số. Từng bước triển khai các dịch vụ tham quan trực tuyến, thực tế ảo, tích hợp công nghệ 3D, mã QR, hệ thống thuyết minh tự động... Đây cũng là hướng đi phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện ngành văn hóa – du lịch", bà Nhiện cho biết thêm.
Kết nối di sản – lan tỏa giá trị văn hóa
Không gian Văn hóa Trà Tân Cương không chỉ dừng lại ở chức năng giới thiệu sản phẩm hay quảng bá điểm đến, mà còn mang trong mình sứ mệnh gìn giữ, giáo dục và lan tỏa di sản văn hóa trà đến đông đảo công chúng. Với thiết kế mở, hài hòa cảnh quan và kết nối thuận lợi với các tuyến du lịch nội tỉnh, nơi đây dần trở thành điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình khám phá Thái Nguyên – vùng đất “trà và thép”.
|
Bà Trần Thị Nhiện, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm trà OCOP 5 sao. |
Bà Trần Thị Nhiện, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Chúng tôi xác định rõ rằng, Không gian Văn hóa Trà Tân Cương không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là điểm hội tụ, lan tỏa tinh thần và kỹ nghệ trà Thái Nguyên. Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, mỗi bộ ấm chén đều là một phần ký ức văn hóa, gắn với con người và đất đai vùng chè”.
Theo bà Nhiện, công tác trưng bày và phát huy giá trị di sản luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Đơn vị đang tiếp tục bổ sung hiện vật, xây dựng các mô hình trải nghiệm thực tế, đồng thời ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu, trình diễn quy trình làm trà, giúp du khách có thêm trải nghiệm tương tác phong phú.
|
Không gian trưng bày giới thiệu bộ sưu tập ấm chén pha trà |
Song song với đó, phối hợp với các doanh nghiệp, nghệ nhân, nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh để sưu tầm, phục dựng một số kỹ thuật sao chè cổ truyền, hướng tới tổ chức lớp truyền dạy nghề chè, nhất là cho thế hệ trẻ tại vùng chè. Đây là cách làm thiết thực để bảo tồn giá trị di sản phi vật thể trong cộng đồng.
Không gian Văn hóa Trà Tân Cương hiện cũng là điểm đến thường xuyên của các trường đại học, trung học phổ thông, nơi tổ chức ngoại khóa cho học sinh – sinh viên về đề tài nông nghiệp bền vững, kinh tế nông thôn gắn với di sản. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về vai trò của chè không chỉ là sản phẩm nông nghiệp mà còn là giá trị văn hóa cần được bảo vệ và phát triển.
Với chức năng là một thiết chế văn hóa chuyên đề, đồng thời là điểm nhấn trên bản đồ du lịch Thái Nguyên, Không gian Văn hóa Trà Tân Cương ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc lưu giữ ký ức vùng đất, quảng bá giá trị văn hóa bản địa và góp phần xây dựng thương hiệu "Trà Thái Nguyên - Đậm đà hương sắc Việt". Đây là minh chứng cho cách tiếp cận văn hóa - du lịch bền vững, đặt yếu tố di sản và cộng đồng làm trung tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh Thái Nguyên.