Một trong những ga xe lửa đẹp nhất Việt Nam
Trải qua hơn 120 năm lịch sử, ga Hải Phòng vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính in đậm kiến trúc Pháp. Đặc biệt, nhà ga Hải Phòng là nơi vinh dự được giao nhiệm vụ đón và đưa Bác Hồ trở về Hà Nội an toàn trong ngày 21/10/1946.
Sau khi chiếm được Bắc Kỳ, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa. Đường sắt là phương tiện chuyên chở chủ yếu. Để nối Hà Nội với Hải Phòng, người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt dài 102 km nối liền hai thành phố này. Ngày 16/6/1902, toàn tuyến được chính thức đưa vào khai thác và kèm theo đó là sự ra đời của ga Hải Phòng.
Ga Hải Phòng là một trong số ít các nhà ga in đậm dấu ấn kiến trúc của người Pháp còn lại ở Việt Nam, bên cạnh những ga tại Huế (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa), Ðà Lạt (Lâm Ðồng). Kiến trúc ga Hải Phòng được thiết kế theo phong cách tân cổ điển dựa trên quy luật đối xứng nghiêm ngặt.
Công trình được nhấn mạnh ở trung tâm với hai khối nhô ở hai bên cùng các chi tiết trang trí. Hàng cột sắt với hoa văn mang phong cách cổ điển chống mái hiên, hay đá xanh lát nền có từ những ngày đầu đi vào hoạt động vẫn còn nguyên vẹn. Vỏ đồng hồ có tuổi đời trên 120 năm, phần ruột đồng hồ cơ khí cũ đã bị hỏng và được thay thế bằng đồng hồ điện tử.
Khi đến đây, bạn sẽ thấy tấm biển đồng treo trước cửa ga, có dòng chữ: “Ngày 21/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xe lửa về Thủ đô Hà Nội, sau khi Người thăm nước Pháp trở về Tổ quốc, dừng chân tại thành phố Hải Phòng…”, ngày 21/10 đó đã trở thành Ngày truyền thống của ngành đường sắt Việt Nam và luôn là niềm tự hào của cán bộ công nhân viên ngành đường sắt.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập năm 1945, các thế lực ngoại bang và bọn phản động trong nước lại có mưu đồ đô hộ đất nước ta một lần nữa. Trong tình thế thù trong giặc ngoài, ngày 31/5/1946, Bác Hồ sang Pháp mở cuộc đấu tranh ngoại giao để giữ gìn nền độc lập non trẻ.
Tháng 10/1946, Bác Hồ về nước bằng tàu biển cập Cảng Hải Phòng, sau khi dự buổi mít tinh với nhân dân TP Hải Phòng tại vườn hoa Sông Lấp, Bác đi xe thẳng ra ga Hải Phòng
Tàu kéo một hồi dài và chuyển bánh, đồng bào Hải Phòng lưu luyến vẫy tay tạm biệt Bác. Bác ra tận cửa đứng vẫy tay chào đáp lại tấm lòng của bà con đất Cảng. Tàu chạy đến đâu, nhân dân hai bên đường vẫy tay hoan hô ở đấy. Không khí dọc đường 5 trong ngày 21/10 đến nay vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người dân thành phố Cảng.
Sự kiện Bác Hồ đi chuyến xe lửa đặc biệt từ thành phố Cảng an toàn về tới Thủ đô Hà Nội đã có ý nghĩa sâu sắc đối với nhân dân hai bên đường 5 (Quốc lộ 5 bây giờ). Chuyến đi đó để lại ấn tượng sâu sắc với Bác, để sau đó, Bác gửi thư cho các cháu thiếu nhi nói lên niềm xúc động: “Khi Bác về đến Tổ quốc, từ Hải Phòng đến Hà Nội, các cháu đem nhau đi đón Bác, có lẽ hơn 10 vạn cháu. Tay cầm cờ đỏ sao vàng, đứng ngập hai bên đường, hai bên bờ ruộng. Reo cười, ca hát vui vẻ như một đàn chim”.
Sau sự kiện đón Bác Hồ về nước, ga Hải Phòng còn là nơi ghi dấu ấn cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt khi thực dân Pháp bội ước, nhân dân Hải Phòng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp đồng ý rút hết quân về nước. Hải Phòng là điểm sau cùng của đường sắt miền Bắc còn bị chiếm đóng. Cùng với nhân dân, công nhân khu đường sắt Hải Phòng, công nhân nhà ga đã có 12 cuộc đấu tranh bảo vệ máy móc, vật liệu.
![]() |
Tháng 10/1946, Bác Hồ về nước bằng tàu biển cập Cảng Hải Phòng (Ảnh tư liệu). |
Ngày 13/5/1955, bộ đội Việt Nam tiếp quản ga Hải Phòng. Ngày 15/5/1955, nhà ga hoạt động bình thường, đón tiếp tàu chở bộ đội và cán bộ tiếp quản vào thành phố; tuyến Hà Nội - Hải Phòng hoạt động trở lại như thường lệ. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp đồng ý rút hết quân về nước. Hải Phòng là điểm sau cùng của đường sắt miền Bắc còn bị chiếm đóng.
Từ năm 1955, khi TP Hải Phòng được giải phóng, chính quyền cách mạng tiếp quản ga Hải Phòng. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước hàng triệu tấn vũ khí, nhu yếu phẩm của các nước XHCN cập cảng Hải Phòng để rồi tới ga Hải Phòng để những đoàn tàu chở hàng hoá đi phục vụ công cuộc kháng chiến. Năm 1996, Ga Hải Phòng được UBND TP Hải Phòng công nhận là “Di tích lịch sử kháng chiến”.
Ngày nay, đến Ga Hải Phòng, chúng ta gặp lại ký ức một thời bao cấp. Nhiều người có dịp đi trên những chuyến tàu này vào nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời rất xúc động vì khung cảnh của ga Hải Phòng gần như không thay đổi. Ngày nay mọi người di chuyển bằng ô-tô, xe khách, máy bay nhiều hơn thì những nhà ga, những toa tàu, những đường ray dù cũ kỹ và chậm thay đổi theo thời gian, vẫn như là nhân chứng lịch sử nhắc nhở tất cả về một thời hoàng kim của ngành đường sắt. Mỗi sân ga sẽ luôn lưu dấu những ký ức đặc biệt trong cuộc đời của mỗi người hay mỗi sự kiện lịch sử của địa phương, của đất nước...
Thưởng thức “Một ly rượu vang, nghe một bản giao hưởng” du khách đã đặt chân tới TP Cảng
Nhằm phát triển sản phẩm du lịch đường sắt và gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách, mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã “bắt tay” với TP Hải Phòng tổ chức đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” sẽ đưa vào vận hành 20 toa xe mới trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, dự kiến trước ngày 13/5/2025 chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng TP Hải Phòng. Đây không chỉ là hoạt động làm mới sản phẩm du lịch đường sắt mà còn mở ra cơ hội để Hải Phòng nâng tầm trải nghiệm của du khách, định hình sản phẩm du lịch cao cấp.
Trong số 20 toa tàu được đầu tư đóng mới, sẽ có 2 toa VIP với thiết kế khoang 36 ghế gồm 16 ghế sofa đơn, 5 bộ sofa dài với 20 chỗ ngồi được bố trí trong ba không gian khác nhau. Đối với 18 toa còn lại được thiết kế với 56 ghế xoay, nền lát thảm nhựa, trần dán vải hoa trang trí và lắp 2 dọc đèn Led lối đi, có màn hình LCD và khung Led quảng cáo. Đoàn tàu mới này được kỳ vọng, sẽ trở thành sản phẩm du lịch đường sắt, hứa hẹn thu hút đông đảo du khách tham gia chuyến hành trình đến với Hải Phòng…
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, dự kiến màu sắc, đường nét và thiết kế của đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” sẽ kết hợp giữa đường nét hiện đại và màu sắc truyền thống Á Đông, với màu xanh lá của lá phượng, màu đỏ của hoa phượng, màu xanh dương của biển cùng những đường nét song song minh hoạ cho sóng biển cũng như cho TP Cảng.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng đang hoàn thiện thủ tục công nhận Ga Hải Phòng là điểm du lịch, điểm check-in và nâng cao trải nghiệm cho du khách ngay từ khi đặt chân đến với TP. Kế hoạch kết nối du lịch đường sắt với du lịch đường sông, đường biển cũng đã và đang được TP triển khai nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, sáng tạo.
![]() |
Đoàn tàu “Hoa phượng đỏ” hứa hẹn hấp dẫn nhiều du khách muốn trải nghiệm. |
Theo ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng, từ khi trào lưu đi trải nghiệm Foodtour Hải Phòng bằng đường sắt bùng nổ, lượng hành khách về với TP Hoa phượng đỏ tăng rất cao. Để phục vụ nhu cầu của du khách, ga Hải Phòng đã cải tạo, sửa chữa đường qua ga để hành khách đi lại được thuận tiện hơn. Về các thiết bị trên tàu, Tổng công ty đường sắt Việt Nam rất chú trọng đến các ga trên tuyến. Về các thiết bị toa xe, ngành đường sắt đã đưa các thiết bị toa xe chất lượng tốt để phục vụ trên tuyến này.
TS. Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VHTT &DL Hải Phòng chia sẻ, nếu như trước đây, lượng khách đi tàu đến TP Hải Phòng để trải nghiệm Foodtour, Citytour chủ yếu là giới trẻ, học sinh, sinh viên, thì nay, việc đưa vào hoạt động các toa tàu hạng sang, nhất là các toa Vip sẽ thu hút thêm lượng khách cao cấp đến với Hải Phòng. Đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” cũng sẽ giúp du khách từ Hà Nội và khách du lịch quốc tế đến với Hải Phòng có thêm lựa chọn cao cấp, trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch sôi động trong mùa hè 2025 tại các khu du lịch nổi tiếng của thành phố.
“Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là sản phẩm du lịch đường sắt độc đáo, góp phần đa dạng hóa lựa chọn cho du khách. Đồng thời mang đến những trải nghiệm mới lạ, giúp du khách khám phá Hải Phòng theo một góc nhìn khác biệt và thú vị hơn. Chúng tôi đang làm việc với các doanh nghiệp du lịch để xây dựng các tour kết hợp giữa tàu hỏa, du lịch biển đảo, City tour và trải nghiệm ẩm thực”. TS. Hoàng Mai chia sẻ vui: “Những người bạn hay các đối tác cùng đi trên chuyến tàu “Hoa phượng đỏ” về Hải Phòng có thể dùng một ly vang, nghe một bản giao hưởng bên những câu chuyện thân thương, là có thể đến với sân ga hơn trăm tuổi này...”.
Cũng theo ông Trần Văn Hạnh, hiện nay, không chỉ giới trẻ mà rất nhiều đối tượng, nhóm người lớn tuổi hoặc những người cùng làm việc trong một cơ quan di chuyển bằng đường sắt xuống Hải Phòng rất nhiều. Điều này cũng giúp cho du lịch của Hải Phòng phát triển. Ga Hải Phòng là một trong những nhà ga có lịch lâu đời nhất Việt Nam nhưng đến nay, nhà ga đã đi qua 122 mùa xuân cuộc đời nhưng vẫn đang tràn đầy sức sống với tinh thần tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của đất nước…
Năm 2025, Hải Phòng phấn đấu thu hút trên 10 triệu lượt khách, trong đó có trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Hai tháng đầu của năm 2025, du lịch Hải Phòng đón trên 1,1 triệu lượt khách, trong đó có 150.000 khách quốc tế. Theo thống kê năm 2024, lượng hành khách đi tàu Hà Nội - Hải Phòng đạt hơn 1,5 triệu lượt khách, tăng so với 1,4 triệu lượt của năm 2023.
Dự kiến dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng TP Cảng (13/5), TP Hải Phòng sẽ đón hàng chục nghìn người dân và du khách thông qua đường sắt. Điều này sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng bứt phá của du lịch đường sắt TP năm 2025. Đây cũng là tín hiệu tích cực để ngành đường sắt tiếp tục đổi mới, cải thiện chất lượng dịch vụ và khai thác tiềm năng để thu hút nhiều du khách hơn trong thời gian tới.
![]() |
Thiết kế của đoàn tàu “Hoa Phượng đỏ” sẽ kết hợp giữa đường nét hiện đại và màu sắc truyền thống Á Đông. |
Liên hoan ẩm thực món ngon Hải Phòng năm 2025 tại ga
Dự kiến sự kiện này diễn ra từ ngày 9/5 - 14/5, sự kiện có hơn 40 gian ẩm thực, món ngon Hải Phòng, đặc sản các địa phương tại đất Cảng và quà tặng du lịch cùng nhiều hoạt động biểu diễn âm nhạc đường phố sôi động.
Về lâu dài, Sở VHTT &DL Hải Phòng sẽ lựa chọn doanh nghiệp, nhà hàng uy tín, chất lượng để tham gia phục vụ trên đoàn tàu du lịch và phục vụ du khách khi đi trải nghiệm ẩm thực trong TP. Thành phố có khoảng 600 nhà hàng phục vụ đa dạng các món ăn, trong đó có các món ăn của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Italy, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đồng thời tổ chức hội nghị khách hàng, thu hút khách như du lịch biển đảo, thể thao - golf, MICE, citytour kết hợp văn hóa và ẩm thực để khai thác thật tốt sản phẩm du lịch đường sắt. Cùng với việc phát triển du lịch đường sắt, Hải Phòng sẽ phát triển du lịch đường sông và sẽ kết nối các loại hình du lịch. Ngoài việc thưởng thức ẩm thực, du khách sẽ có thêm cơ hội trải nghiệm trực tiếp quy trình chế biến các món ăn, giúp hành trình trở nên sinh động và đáng nhớ hơn.
TS. Trần Thị Hoàng Mai nhấn mạnh, TP Hải Phòng nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc Việt Nam. Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông phát triển, cùng giá trị văn hóa lâu đời và những điểm đến thiên nhiên đặc sắc, Hải Phòng đang ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Việc hỗ trợ, phát triển sản phẩm đoàn tàu “Hoa phượng đỏ” và tổ chức “Liên hoan ẩm thực món ngon” tại ga Hải Phòng nhằm phát triển du lịch đường sắt Hải Phòng và xây dựng ga Hải Phòng trở thành điểm du lịch. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2025, chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng.
Sau khi chỉnh trang lại, ga Hải Phòng sẽ vận hành “sản phẩm mới” vào đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025) với nhiều sự kiện chương trình quy mô, bài bản. Lãnh đạo ga Hải Phòng cho biết với mong muốn quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch, sau khi xin ý kiến từ cơ quan chức năng có liên quan, ga Hải Phòng sẽ được khôi phục lại kiến trúc cảnh quan. Cụ thể sẽ có khu bán đồ lưu niệm; sơn lại mặt ngoài nhà ga cho đẹp hơn về mỹ thuật theo kiến trúc Pháp trước đây; chỉnh trang bố trí sắp xếp lại cây xanh mặt trước ga… Đồng thời, bố trí quán cà phê trong ga xe lửa - là nơi du khách có thể thưởng thức một không gian xưa cũ. Một số phòng làm việc sẽ được làm gọn lại để tận dụng phần diện tích của nhà ga làm nơi phục vụ quầy lưu niệm, phòng trưng bày… Tại ga Hải Phòng sẽ song hành cả hai vừa làm nơi du lịch vừa duy trì các hoạt động đón, trả hành khách như trước.
Ông Cao Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng chia sẻ: “Những chuyến tàu không chỉ chở hàng hóa, hành khách mà còn chở theo câu chuyện, ký ức, giá trị văn hóa vùng miền”. Các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích chủ động xây dựng tour kết hợp di chuyển bằng tàu hỏa và tham quan Hải Phòng, tổ chức các chuyến tàu charter (thuê nguyên chuyến) từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các cơ sở dịch vụ ăn uống tại Hải Phòng cũng được vận động triển khai chương trình ưu đãi, giảm giá cho khách đi tàu trong dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ và kỷ niệm 70 năm Giải phóng Hải Phòng vào tháng 5/2025.
![]() |
Ga Hải Phòng đã trải qua 122 mùa xuân. |
Để phát triển sản phẩm du lịch đường sắt một cách bền vững và hiệu quả, TS. Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VHTT & DL TP Hải Phòng đề nghị ngành đường sắt cần đầu tư nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang Ga Hải Phòng, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Đường tàu-Đường hoa” với ý tưởng mỗi cung đường một loài hoa, mỗi khu ga một điểm đến du lịch. Cùng với đó, liên kết với Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao.
Với việc kết nối cùng doanh nghiệp mở ra triển vọng mới cho du lịch đường sắt Hải Phòng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch thành phố, kết nối hiệu quả với các địa phương lân cận, đồng thời gìn giữ, phát huy giá trị di sản hơn một thế kỷ của ngành đường sắt Việt Nam.