Dẹp mô hình công, tư lẫn lộn
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 10 năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt; tuổi thọ trung bình năm 2005 (năm đầu thực hiện Nghị quyết 46) là 70 tuổi, mục tiêu đến năm 2010 là 72,0 tuổi, kết quả đạt được năm 2010 là 72,8 tuổi, năm 2014 tăng lên 73,2 tuổi; tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng giảm; nhiều bệnh dịch nguy hiểm trước đây đến nay đã được khống chế và đẩy lùi, đã đạt được nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn 1990- 2015 liên quan đến lĩnh vực y tế như tỷ lệ tử vong mẹ, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em…
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã đẩy lùi và khống chế được các dịch bệnh mới phát sinh, nguy hiểm; xây dựng được các bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; việc đổi mới công tác quản lý đã góp phần làm giảm 25% giá thuốc; nhiều ứng dụng hiện đại trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật trong phòng bệnh, chữa bệnh cũng đã được triển khai, góp phần mang lại diện mạo mới trong công tác khám chữa bệnh…
Tuy vậy, thách thức và hạn chế trong ngành vẫn còn rất nhiều. Với tiêu chí tôn trọng và xem quyền khám chữa bệnh của người dân là nhiệm vụ hàng đầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng trong thời gian tới, ngành Y tế cần bổ sung các giải pháp về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gồm: khuyến khích phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình; củng cố y tế cơ sở theo Chỉ thị số 06; phát triển nguồn nhân lực quản lý bệnh viện; xây dựng theo đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.
“Không khuyến khích cổ phần hóa bệnh viện công mà chỉ khuyến khích đầu tư và phát triển bệnh viện tư nhân, không để “công”, “tư” lẫn lộn trong mô hình bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của người dân trong thời kỳ mới...” - đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.
Làm gì để bằng cấp về y, dược của Việt Nam được thế giới công nhận?
Để đạt được các mục tiêu quan trọng này, đa số ý kiến cho rằng Bộ Y tế phải đổi mới công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế vì hiện nay tuy đạt được nhiều thành tựu về y học ngang thế giới và khu vực nhưng bằng cấp về y, dược của chúng ta vẫn chưa được thế giới công nhận.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, hiện nay các thầy thuốc Việt Nam ra nước ngoài học tập để nâng cao trình độ chuyên môn đều phải đào tạo lại từ đầu vì bằng đại học y, dược của nước ta vẫn chưa được thế giới công nhận. Điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của nước ta chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, gây tốn kém thời gian và kinh phí cho người bệnh lẫn thầy thuốc.
Để khắc phục, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế và tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới; thí điểm cho phép các trường được thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo nhân lực y tế theo các tiêu chuẩn quốc tế…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách ưu tiên và tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng trong y học, hình thành các trung tâm nghiên cứu y học, y sinh học ngang tầm khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác và chủ động hội nhập nền y học Việt Nam với nền y học của các nước tiên tiến trên thế giới; đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.