Không nên bỏ lọt tội tham nhũng khu vực tư

Bộ luật Hình sự (BLHS) đang được sửa đổi, nhưng những hành vi tham nhũng ở khu vực tư vẫn chưa đề cập đến trong việc xử lý. Đây có thể là một “khoảng trống” không nhỏ cho tội phạm tham nhũng lọt qua được “vòng kim cô” của luật pháp và khiến công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) càng khó khăn…

Bộ luật Hình sự (BLHS) đang được sửa đổi, nhưng những hành vi tham nhũng ở khu vực tư vẫn chưa đề cập đến trong việc xử lý. Đây có thể là một “khoảng trống” không nhỏ cho tội phạm tham nhũng lọt qua được “vòng kim cô” của luật pháp và khiến công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) càng khó khăn…

“Công” hay “tư” đều thiệt hại
Theo pháp luật Việt Nam, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Như vậy, hành vi tham nhũng theo quan điểm của pháp luật Việt Nam là hành vi luôn gắn với việc người có chức vụ, quyền hạn (trong các cơ quan, tổ chức), lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ mưu cầu lợi ích riêng, mà không bao gồm hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế tư nhân… (khu vực tư) dù những đối tượng này cũng có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn mưu cầu lợi ích cá nhân.  
Do trong BLHS hiện hành, không có điều khoản cụ thể nào quy định về hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công và người có chức vụ, quyền hạn làm việc trong khu vực tư, cũng như hành vi biển thủ tài sản trong khu vực tư nên những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư có “hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn mưu cầu lợi ích cá nhân” thì chỉ bị xử lý theo các tội danh khác được quy định của pháp luật hình sự tương xứng với mức độ của hành vi. 
Trong số các tội danh được quy định trong BLHS được coi là tội phạm tham nhũng, “hối lộ” là một trong những hành vi tham nhũng phổ biến, có mức độ tinh vi phát triển theo từng nhịp phát triển của kinh tế - xã hội và độ “siết” của luật pháp. Thông qua “hối lộ”, lợi ích mà một người có thể được hưởng (trái pháp luật) từ hành vi sai trái, lạm quyền của người có chức vụ, quyền hạn thường chỉ có thể xuất phát từ sức mạnh của quyền lực Nhà nước. Vì thế, chỉ có thể là hối lộ trong lĩnh vực công mà không thể có “vấn đề hối lộ trong lĩnh vực tư”.
Điều đáng nói là trong nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường, hành vi tham nhũng trong khu vực tư cũng gây ra những hậu quả nguy hiểm như hậu quả của hành vi này trong khu vực công, dù ở các khía cạnh khác nhau. Nếu ở khu vực công, tham nhũng làm “suy yếu đội ngũ cán bộ và hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân” thì ở khu vực tư, tham nhũng làm “thất thoát tài sản, suy giảm năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của DN, tổ chức và gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động”. Và dù ở khía cạnh nào thì tham nhũng cũng làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực đạo đức và xã hội.
Trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa và xã hội hóa, một số quyền lực Nhà nước được chuyển dần cho các DN nhà nước, các tổ chức và loại hình DN tư nhân phát triển mạnh mẽ, ngày càng đóng vai trò quan trong trong đời sống kinh tế xã hội thì tham nhũng trong khu vực tư cũng ngày càng rõ nét. Cùng với việc các DN nhà nước được “nắm” số lượng lớn vốn Nhà nước “rót” vào nền kinh tế thì các DN, tổ chức tư nhân cũng là “đối tác” của các cơ quan, tổ chức Nhà nước và Nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ hành chính công, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế cho đến việc cung cấp vật tư, hàng hoá, phương tiện kỹ thuật cho hoạt động của bộ máy Nhà nước nói chung thông qua các hợp đồng kinh tế. Và dù đối tác có là “đại diện của Nhà nước” cũng sẽ không tránh được những hoạt động “đi đêm”, “lót tay”, những khoản “hoa hồng” bất hợp pháp… của các DN để có được những hợp đồng “béo bở”, giành được những lợi thế, cơ hội “làm ăn” và tạo “đà” cho những hành vi tham nhũng cứ thế mà phát triển.  
Không nên “lảng tránh” 
Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và pháp luật nhiều nước đã đề cập và quy định những hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi tham nhũng ở khu vực tư. Vì thế, khi đã hội nhập, pháp luật Việt Nam không thể đứng “ngoài cuộc”, chống tham nhũng “theo kiểu riêng” mà cần có sự điều chỉnh để phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Trước đây, khi tiềm lực “khu vực tư” ở nước ta còn hạn chế do các loại hình kinh tế tư và phương thức kinh tế thị trường chưa phát triển thì tham nhũng ở “khu vực tư” gần như không có hay không đáng kể. Song trong giai đoạn phát triển sau khi đổi mới, các yếu tố của nền kinh tế thị trường đã tác động và thay đổi nhiều vấn đề trong vận hành nền kinh tế, kéo theo đó sự phát triển của các loại tội phạm kinh tế và tham nhũng nguy hiểm.
Trước thực trạng đó, bổ sung thêm quy định để xử lý hành vi “tham nhũng trong lĩnh vực tư” vào BLHS (sửa đổi) là rất cần thiết cho hiệu quả của công cuộc PCTN. Theo ông Trần Văn Đạt (Bộ Tư pháp), để không “bó tay” trước hành vi nhận hối lộ của người nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và hành vi đưa hối lộ cho những đối tượng này, pháp luật hình sự chỉ cần quy định dấu hiệu bắt buộc của chủ thể các tội phạm tham nhũng là “lợi dụng chức vụ quyền hạn và mục đích vụ lợi”. Quy định đó giúp cơ quan chức năng xử lý được những hành vi tham nhũng của các đối tượng có chức vụ, quyền hạn làm việc ở khu vực ngoài Nhà nước (khu vực tư). Nhưng các chuyên gia pháp lý cũng lưu ý, những hành vi hối lộ, biển thủ trong khu vực tư chỉ được coi là tham nhũng khi hậu quả pháp lý của các hành vi này có liên quan đến “việc công” hoặc “tài sản công” mới thích hợp với quan điểm về PCTN ở nước ta.
PCTN luôn là vấn đề nóng trên những bàn nghị sự cũng như những quán xá vỉa hè. Thông tin về việc phát hiện, xử lý hành vi và tội phạm tham nhũng vì thế luôn có tác dụng rất tích cực cho việc PCTN và tăng cường nhận thức của xã hội về vấn đề này. Tuy nhiên, nếu pháp luật PCTN và hình sự không có quy định xử lý những hành vi tham nhũng ở “khu vực tư” thì xã hội sẽ khó tin tưởng vào hiệu quả cuộc chiến PCTN khi luật pháp hoàn toàn bàng quan với một trong những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như tham nhũng trong khu vực tư.
Huy Anh 

Đọc thêm