Không nên chỉ phản biện các dự thảo văn bản

(PLVN) - Không nên chỉ dừng lại ở việc phản biện xã hội các dự thảo văn bản mà phải tiến hành phản biện xã hội các văn bản đã ban hành. Bởi quá trình thực hiện mới phát sinh các bất cập, hoặc triển khai trong thời gian dài cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Hội nghị do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. Ảnh: Tiến Đạt
Hội nghị do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức. Ảnh: Tiến Đạt

Đây là kiến nghị được đề xuất tại Hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức ngày 15/5, tại Hà Nội.

Nhấn mạnh vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, các ý kiến tại Hội nghị đề nghị, trong Báo cáo chính trị cần có những đánh giá khái quát lại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nước ta hiện nay để làm rõ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 5 năm qua, khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã có sự phát triển như thế nào cả chất và về lượng.

Trong vấn đề phát huy vai trò của Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực, giám sát và phản biện xã hội cần có thêm nội dung và kết quả thực hiện, từ đó góp phần nâng cao lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bên cạnh đó, cần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước để Mặt trận thực sự đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị, đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân.

Đối với chức năng phản biện, không nên chỉ dừng lại ở việc phản biện xã hội các dự thảo văn bản mà phải tiến hành phản biện xã hội các văn bản đã ban hành. Bởi quá trình thực hiện mới phát sinh các bất cập hoặc qua quá trình thực hiện trong thời gian dài cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Các đại biểu cũng cho rằng, trong điều kiện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiện nay, để đồng hành cùng các cơ quan Đảng, Nhà nước và đời sống xã hội, thực hiện tốt vai trò nòng cốt quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ thì phải xác định rõ chỉ tiêu nhiệm kỳ tới phải đạt 100% Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động...

Tiếp thu ý kiến tâm huyết của các đại biểu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục chỉnh sửa, từng bước hoàn thiện dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 để trình xin ý kiến tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch và Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam thời gian tới./.

Đọc thêm