“Không nên cố đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay”

(PLO) - PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng không nên cố đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% mà Chính Phủ, Quốc hội đã đặt ra cho năm nay. Theo ông, để bảo đảm tốt tăng trưởng, Chính phủ vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô. Đây mới là vấn đề quan trọng nhất.
“Không nên cố đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay”

Thưa ông, trong điều kiện tăng trưởng Quý II vừa qua chỉ đạt 5,52%, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, theo ông có thể nhìn vào đâu để hỗ trợ đạt được mục tiêu  tăng trưởng này?

- Có lẽ chúng ta phải nhìn chuyện này dài hạn hơn. Theo tôi, tăng trưởng không đáng lo ngại lắm. Ví dụ năm 2016 không nên cố đạt mục tiêu mà Chính phủ với Quốc hội thông qua cuối năm ngoái vì điều kiện thay đổi rất nhiều. Giờ dốc sức đầu tư để đạt được mức đó thì cũng không đạt được vì hiệu ứng đầu tư sẽ trượt sang năm sau, trong khi đó  hậu quả gây ra lạm phát rất nhanh. Hoặc nếu không dùng cách huy động vốn, cấp bách đổ vốn vào tăng trưởng để đạt mục tiêu thì chỉ có cách cải thiện đầu tư của xã hội, doanh nghiệp (DN),  nhưng cách này cần thời gian dài, không thể thời gian ngắn quyết tâm cải thiện là được. Đó là cách làm đúng nhưng không phải là ngắn hạn mà là dài hạn…

Vậy trong ngắn hạn, nên có giải pháp nào, thưa ông?

- Theo tôi, để bảo đảm tốt tăng trưởng, thì có lẽ Chính phủ vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô. Nếu Chính phủ làm ổn định vĩ mô tốt thì tạo niềm tin cho DN, lúc đó họ sẽ đầu tư. Còn Chính phủ vẫn cứ đặt mục tiêu cao để đạt thành tích, rồi dốc sức vào tăng trưởng cao mà quên mất điều này có thể tổn hại ổn định vĩ mô, sẽ làm câu chuyện tăng trưởng nóng và sẽ dẫn tới cách như câu chuyện 5 năm qua bị ảnh hưởng. 

Như thế nguyên tắc đầu tiên là Chính phủ phải bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định. Ổn định không có nghĩa là lạm phát thấp mà là đảm bảo linh hoạt cho nền kinh tế, không có bất thường. Còn lạm phát thấp quá cũng rất nguy hiểm, hay lạm phát cao đều nguy hiểm. 

Yếu tố thứ hai là Chính phủ nên tạo điều kiện khuyến khích DN như bảo đảm cởi trói cho DN, tạo điều kiện giảm chi phí cho DN như vừa rồi Chính phủ đang quyết tâm làm tốt. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất tín dụng, kiểm soát việc tăng phí giao thông không luận chứng đầy đủ và có vẻ không đáng tin cậy lắm, tiếp tục giảm thủ tục hành chính, hệ thống khuyến khích, hỗ trợ tốt hơn (chứ không phải ưu đãi)… thì kết quả tăng trưởng sẽ tốt hơn. Tôi cho rằng đây là cách Chính phủ nên theo đuổi để đạt mục tiêu tăng trưởng, chứ không phải là hô hào bỏ vốn ra trong ngắn hạn. 

Về mặt chiến lược hơn, Chính phủ có định hướng, tôi cho là đúng là định hướng công nghệ, sáng tạo giá trị gia tăng cao hơn. DN nào theo hướng này sẽ được khuyến khích.  Cách này bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn. 

Tôi cho đây là 3 giải pháp cơ bản, còn bản thân Chính phủ quan tâm ít thôi đến đầu tư cho tăng trưởng. Đầu tư của nhà nước nên hỗ trợ các điều kiện kể cả đầu tư cũng hỗ trợ tăng trưởng, hơn là đầu tư trực tiếp để làm nó tăng trưởng. Đó là cách làm mang tính chiến lược.

Thực ra trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành đã có sự chuyển hướng khá rõ theo  hướng  này…

- Đúng như vậy. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tất nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn,  thời gian chưa nhiều nên chưa thể gây ra tác động tức thời, nhưng phải kiên trì mới có thể thay đổi được tình hình…

Tất nhiên chúng ta vẫn phải bàn đến giải pháp căn bản hơn như tái cơ cấu để xoay chuyển hiệu quả đầu tư, nguồn vốn nào đi vào ngành nào hiệu quả nhất, ai dùng nó thì hiệu quả nhất, phân bổ nguồn lực ra sao… Ta bớt ngành xi măng, thép đi chẳng hạn, bớt khai thác tài nguyên đi rồi làm sao định hướng cho luồng vốn quá nhiều vào lắp ráp mà chuyển dần sang công nghệ cao hơn, ô nhiễm ít hơn, để được lợi về mặt dài hạn nếu không sẽ khó cải thiện được chất lượng, đó là mấu chốt vấn đề. Tôi nghĩ rằng 5 năm với xuất phát điểm như thế này thì hy vọng 5 năm có bước tiến theo hướng đó. 5 năm tới tái cơ cấu tốt hơn chứ 5 năm rồi tái cơ cấu ít quá…

Xin cám ơn ông!

Đọc thêm