Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc “đóng cửa rừng” tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Mới đây nhất, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam nhận được thông tin UBND tỉnh Kon Tum thành lập 3 đoàn liên ngành có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra tất cả nguồn lâm sản còn tồn trong kho của các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ trên toàn tỉnh.
Theo dự kiến, đoàn liên ngành số 3 do đồng chí Phạm Đức Hạnh, Giám đốc sở TN-MT Kon Tum làm trưởng đoàn; đồng chí Nguyễn Hoài Tâm-Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Kon Tum làm Phó đoàn sẽ kiểm tra các xưởng kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn huyện Ngọc Hồi từ ngày 21-29/7.
Sau khi nhận được thông tin trên, sáng 18/7, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã đến trụ sở làm việc của Sở TN-MT tỉnh Kon Tum đăng kí phối hợp cùng đoàn liên ngành số 3 để đưa tin. Phóng viên được một cán bộ văn phòng Sở xác nhận là đúng và hướng dẫn liên hệ cùng đồng chí Trần Công Hậu-Chánh thanh tra Sở (người được Giám đốc Sở TN-MT ủy quyền đi cùng đoàn liên ngành số 3).
Khi phóng viên gọi điện cho đồng chí Trần Công Hậu thì được vị này cho biết, hiện tại đang kiểm tra một huyện khác (huyện Đăk Glei-PV). Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn được phối hợp đi cùng đoàn liên ngành số 3 thì vị này trả lời: “Chúng tôi là đơn vị thành viên phối hợp, các anh liên hệ cùng Chi cục kiểm lâm hoặc Sở NN-PT NT để đăng kí”. Ngay sau đó, phóng viên đã liên lạc lại với cán bộ của Sở TN-MT thì được xác nhận: “Bên Sở TN-MT được giao làm trưởng đoàn để đi kiểm tra, không có chuyện bên Sở lại là đơn vị tham gia phối hợp”.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc theo số điện thoại của đồng chí Nguyễn Hoài Tâm-Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm, là Phó đoàn của đoàn liên ngành số 3. Thật bất ngờ, vị này cho hay: “Chi cục kiểm lâm là đơn vị phối hợp, không có quyền quyết định. Các anh gọi điện cho Sở TN-MT”.
Khi phóng viên thắc mắc, tại sao khi gọi cho Sở TN-MT thì Sở lại phải liên lạc với Chi cục kiểm lâm để đăng kí. Còn khi gọi cho Chi cục kiểm lâm thì đơn vị này lại “đá bóng” qua cho Sở. Sau một lúc nói chuyện, đồng chí Nguyễn Hoài Tâm, cho hay: “Về việc này, để ngày mai chúng tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh Kon Tum để xin ý kiến và sẽ gọi lại cho anh sau”.
Chờ hết buổi sáng hôm sau, chúng tôi vẫn không nhận được cuộc gọi nào từ vị này, nên bắt buộc chúng tôi phải nhấc máy gọi điện. Qua điện thoại, vị này lại tiếp tục: “Tôi là Phó đoàn nhưng các anh phải qua làm việc bên Văn phòng ủy ban Tỉnh, lúc nào có giấy giới thiệu của Ủy ban tỉnh thì mới được”.
Thiết nghĩ, đây là buổi kiểm tra nguồn lâm sản công khai của Đoàn liên ngành, nhưng không hiểu sao Đoàn liên ngành số 3 lại không muốn có sự tham dự của phóng viên? Dư luận đặt câu hỏi: “Có hay không việc đoàn liên ngành đang cố tình “cấm cửa” báo chí?”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả về vấn đề này.