Tôi còn nhớ hằng năm Bộ Tư pháp đều có chỉ thị về việc tổ chức Tết Nguyên Đán, trong đó nhấn mạnh “Không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau Tết”.
Trước Tết Đinh Dậu năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTP về việc tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.
Bộ trưởng Lê Thành Long giao Tổng cục Thi hành án dân sự đẩy mạnh giải quyết trước Tết đối với các việc thi hành án có điều kiện thi hành, đặc biệt là các việc tồn đọng từ ngày 30/9/2016 trở về trước, nhằm giải tỏa lo lắng và tạo tâm lý phấn khởi cho người dân, góp phần bảo đảm ổn định trật tự xã hội trước và trong dịp Tết. Chú trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động đương sự tự nguyện thi hành án.
“Không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu”- Chỉ thị của Bộ trưởng Long nhấn mạnh.
Một vụ tranh chấp tòa đã tuyên án, một vụ lấn chiếm đất công, một vụ cưỡng chế nằm trong quy hoạch cần giải phóng mặt bằng…khi mà không có được tiếng nói đồng thuận giữa dân và chính quyền thì cưỡng chế là việc phải làm. Nhưng làm ở thời điểm nào là điều cần bàn, để tránh sự tổn thương cho người bị cưỡng chế, tránh tạo hình ảnh phản cảm của người thi hành công vụ.
Cưỡng chế vào dịp cận kề Tết là điều không nên chút nào. Một gia đình xây dựng nhà trên đất công, họ sinh sống ở đó khá lâu, cuộc sống cũng khốn khó, giờ cận kề Tết huy động lực lượng đến đập phá tan tành quả là điều không hay ho gì. Người thi hành công vụ họ cũng không muốn làm, còn gia đình bị cưỡng chế thì mất nơi an ấm để ăn Tết.
Dù có thể là họ sai, nhưng khi cơ quan công quyền làm đúng thì người dân bị hụt hẫng đến nhường nào. Đó là khi ngày cận Tết họ mất đi mái nhà, mất đi nơi thờ cúng, mất đi sự đoàn viên.
Luật sư Trần Đình Thu cho rằng: “Với người Việt Nam thì những ngày cuối năm là thời khắc thiêng liêng của đoàn tụ, ai cũng mong một vài ngày có nơi chốn bình yên bên gia đình làng xóm, dù cho năm tới sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là ngôi nhà nơi mà suốt cả năm hay nhiều năm trước hay cả thời thơ ấu người ta đã sống ở đó, lớn lên ở đó, buồn vui ở đó, thì không ai muốn rời xa nó trước khi bước vào đêm cuối cùng của năm. Tôi biết có người lâm nợ phải bán nhà nhưng xin được ở qua Tết rồi giao nhà và người mua cũng thông cảm đồng ý.
Đã là người Việt thì ai cũng như vậy. Những ngày gầnTết thì người Việt lắng đọng hơn và đối xử với nhau tình người hơn, bao dung hơn."
Mới đây, UBND quận Tân Bình TP.HCM cho biết đã hoàn thành việc cưỡng chế tháo dỡ 112 trường hợp xây dựng nhà trái phép tại khu vườn rau, phường 6, quận Tân Bình vào hôm 9/1.
Lãnh đạo quận này cho biết, đây là việc cưỡng chế tháo dỡ những ngôi nhà xây dựng không phép chứ không phải thu hồi đất.
Việc này đã gây ra nhiều tranh luận là có nên “cưỡng chế vào dịp cần Tết hay không?” cũng có ý kiến “những ngôi nhà này đều lấn chiếm, tự phát, nơi tụ tập người nghiện, trộm cắp nên cần cưỡng chế”.
Việc nguồn gốc đất đai nếu hai bên chưa đồng thuận thì cần một bản án, còn chuyện cưỡng chế vì “người nghiện tụ tập, trộm cắp” thì việc này đâu cần đến cưỡng chế mà cần tới trách nhiệm của địa phương, công an…tại sao lại để cho những đối tượng bất hảo tụ tập ở đây? Và liệu việc cưỡng chế như vậy có truy quét hết tội phạm?
Vấn đề là những người dân sống ở đây lâu năm, họ cần một cái Tết yên ấm, thì hãy để họ ăn Tết xong, ra Giêng hãy làm, đâu có vội. Vừa hợp tình, hợp lý.
“Xin đừng nói với tôi rằng pháp luật cho phép các nhân viên công vụ làm điều ấy. Trong suốt một năm, nếu không giải tỏa khu vực ấy thì để qua tháng Giêng năm rộng tháng dài cũng là điều có thể. Tôi đã đọc nhiều bài báo nói về vấn đề pháp lý và không thấy lý do gì thúc bách để hệ thống công vụ ấy phải tháo dỡ những ngôi nhà của người dân vào lúc tháng Chạp, chỉ còn hai mấy ngày nữa là Tết”. Luật sư Trần Đình Thu bày tỏ.
Hiện tại, nhiều địa phương đã có chỉ đạo không cưỡng chế trong dịp cận kề và sau Tết. Vậy thì vì sự an dân, vì ổn định an ninh trật tự, chính quyền hãy khoan vội cho máy xúc vào san ủi.
Ngày Xuân đến rồi, cứ để mọi người cùng an vui, sau Tết lại tính chuyện gần xa./.