Không nên xã hội hóa hoạt động công chứng kiểu “nhỏ giọt”!

(PLO) - Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi - trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra trong tháng 6 - có quy định cho công chứng viên thực hiện việc công chứng bản dịch giấy tờ. Tuy nhiên, công chứng viên lại chỉ được chứng thực bản sao giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký cá nhân trong giấy tờ, văn bản liên quan đến nội dung được công chứng mà theo nhận định của nhiều chuyên gia thì đây là sự xã hội hóa kiểu “nhỏ giọt”, “nửa vời”.
Việc Luật Công chứng năm 2006 giao cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện chứng thực chữ ký người dịch thời gian qua đã dẫn đến chất lượng bản dịch giấy tờ còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và buông lỏng công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch thuật.
Nhu cầu công chứng, chứng thực là rất lớn, không thể thiếu trong đời sống xã hội. (Ảnh minh họa nguồn giaothongvantai.com.vn)
Nhu cầu công chứng, chứng thực là rất lớn,
không thể thiếu trong đời sống xã hội.
(Ảnh minh họa nguồn giaothongvantai.com.vn)
Mở rộng phạm vi hoạt động công chứng
Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Công chứng sửa đổi - Bộ Tư pháp đề xuất quy định công chứng viên được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch; được chứng thực bản sao giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký cá nhân trong giấy tờ, văn bản liên quan đến nội dung được công chứng. 
Qua thảo luận, bên cạnh một số ý kiến không tán thành giao cho công chứng viên thực hiện các công việc chứng thực để công chứng viên có điều kiện tập trung vào các hoạt động công chứng về nội dung, đồng thời tránh trùng lắp với nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, thì đa số ủng hộ đề xuất này nhằm tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.
Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các loại việc nêu trên đều là những việc mà các Phòng công chứng đã đảm nhiệm trong giai đoạn trước đây (theo Nghị định 75/2000/NĐ-CP). 
Trong điều kiện và hoàn cảnh thực tế ở nước ta hiện nay, việc giao lại cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ, văn bản như các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này, đồng thời cũng không trái với các nguyên tắc cơ bản của Liên minh Công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia làm thành viên. 
Tuy nhiên, để bảo đảm tính chuyên môn hóa trong hoạt động công chứng, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý Dự thảo Luật theo hướng quy định công chứng viên được thực hiện việc công chứng bản dịch giấy tờ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại, đồng thời được chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký trên giấy tờ, văn bản nhưng chỉ giới hạn đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà mình đã công chứng hoặc đang thực hiện việc công chứng. Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã vẫn thực hiện các công việc chứng thực theo quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP như hiện nay.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thép Việt Nhật Nguyễn Văn Bình tán thành với sự cần thiết và tính hợp lý của việc giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao thuộc lĩnh vực chứng thực. Ông Bình chỉ đề nghị phân biệt rõ hoạt động công chứng theo Luật Công chứng và hoạt động chứng thực theo Luật Chứng thực dự kiến được xây dựng tới đây. 
Theo đó, Luật Công chứng cần quy định giao cho công chứng viên thực hiện chứng nhận một số việc chứng thực theo quy định của Luật Chứng thực, vì công chứng viên có thể thực hiện tốt việc này, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trong việc lựa chọn và tiếp cận loại dịch vụ công này theo chủ trương cải cách hành chính. Còn Luật Chứng thực cần quy định đối với những tỉnh miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tại địa bàn cấp huyện chưa thành lập được tổ chức hành nghề công chứng thì tiếp tục giao cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã chứng nhận hợp đồng giao dịch theo trình tự thủ tục của Luật Công chứng.
“Dĩ hòa vi quý” - chỉ khổ dân
Có thể nói rằng nhu cầu công chứng, chứng thực là rất lớn và không thể thiếu trong đời sống xã hội. Do vậy, việc giao cho các tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao giấy tờ văn bản của các cơ quan hành chính nhà nước sẽ tạo thuận lợi cho người dân. Vì trong thực tế những việc này đã hình thành trong ý thức và thói quen của người dân rằng đi công chứng, chứng thực là đều đến một nơi, đến một tổ chức nhất định. 
Hơn nữa, đây là một chủ trương đúng đắn nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, giảm tải sức nặng của bộ máy hành chính, tinh giản đội ngũ cán bộ ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần thiết nắm giữ. Qua đó sẽ giảm được nhiều khoản chi ngân sách không cần thiết, dùng những khoản chi ấy để đầu tư vào các lĩnh vực cấp bách, trọng yếu của quốc gia, nhất là trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang khó khăn, bội chi ngân sách kéo dài.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa đề nghị giao cho công chứng viên thực hiện đầy đủ các quyền về công chứng bản dịch, chứng thực chữ ký và bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, góp phần giảm tải áp lực công việc trong các cơ quan hành chính. “Không nên hạn chế thẩm quyền của công chứng viên, văn phòng công chứng. Không việc gì chúng ta cứ phải làm luật theo kiểu xã hội hóa nhỏ giọt, mỗi lần sửa luật lại xã hội hóa một ít, giữ lại một ít cho cơ quan nhà nước theo kiểu dĩ hòa vi quý”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Nghĩa còn đề nghị xem xét, không nên giới hạn thẩm quyền của tổ chức hành nghề công chứng. Có điều, để tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã, vẫn nên giao cho quyền được chứng thực mà từ trước đến nay các cơ quan này đang làm theo quy định tại Nghị định 79.
Đồng tình, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, nếu chia tách thẩm quyền công chứng chứng thực với các việc như Dự thảo Luật sẽ không thể khắc phục được thực trạng nhiều năm qua người dân phải đến nhiều nơi để chờ đợi, để hoàn tất việc chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký. 
Theo ông Cương, Dự thảo Luật không nên mở một cách nửa vời chỉ cho phép công chứng viên thực hiện các bản sao và chữ ký có liên quan đến hợp đồng giao dịch mà mình đã và đang thực hiện. Quy định như vậy sẽ không giải quyết triệt để vấn đề còn vướng mắc liên quan đến đáp ứng chứng thực bản sao và chứng nhận chữ ký của nhân dân trong thời gian vừa qua.
Ông Cương dẫn chứng, một người cần sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh, giấy khai tử để công chứng việc công nhận di sản thừa kế, chuyển nhượng sử dụng đất tại tổ chức hành nghề công chứng. Khi người đó yêu cầu chứng nhận luôn các giấy tờ như bằng tốt nghiệp, học bạ, bảng điểm để xin việc thì công chứng viên từ chối, vì các bản sao này không phục vụ cho hợp đồng giao dịch tại công chứng hoặc giấy tờ của bố mẹ được chứng nhận cùng một thời điểm là các giấy tờ của con lại bị công chứng viên từ chối, bởi các giấy tờ của con, cháu lại không liên quan gì đến hợp đồng giao dịch của bố, mẹ. Người dân phải đến UBND cấp xã để xin chứng nhận bản sao tài liệu, giấy tờ tiếng Việt hoặc về UBND cấp huyện, quận để chứng nhận bản sao tiếng nước ngoài như quy định hiện hành là rất bất tiện.
“Quy định nửa vời của dự thảo, nếu được thông qua thì sẽ hạn chế quyền tự do lựa chọn nơi cung cấp dịch vụ công cho người dân và thật là phiền toái, khi người dân phải luôn luôn ghi nhớ các loại giấy tờ nào và lúc nào để được công chứng và phải đến Ủy ban nhân dân để chứng thực. Với trình độ dân trí như hiện nay, sẽ là một khó khăn không nhỏ. Điều này rất dễ gây bức xúc cho người dân, vì họ cho rằng giữa cơ quan công chứng và cơ quan có thẩm quyền chứng thực đùn đẩy trách nhiệm chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký cho người dân”, ông Cương lo ngại.
“Chúng ta đã thừa nhận giá trị pháp lý của bản sao công chứng và chữ ký của cá nhân trong các giấy tờ có liên quan đến hợp đồng giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng thì mặc nhiên cần thừa nhận giá trị pháp lý của văn bản công chứng đối với các mục đích giao dịch khác mà người dân cần sử dụng”, ông Cương đặt vấn đề và kiến nghị cho phép công chứng viên chứng thực bản sao giấy tờ, chứng nhận chữ ký của cá nhân phục vụ với mục đích hợp pháp của người dân để được thuận tiện hơn và có nhiều sự lựa chọn cho chứng nhận bản sao, chứng nhận chữ ký cho mình. Chính quyền các cấp, nhất là ở các đô thị, thì đỡ phải bề bộn công việc để chứng thực một lượng lớn các loại giấy tờ như trong thời gian vừa qua.

Đọc thêm