Trong đó nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng được thúc đẩy; các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có tín hiệu vui.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch, chuyển đổi số tiếp tục được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; tích cực chuẩn bị cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Giáp Thìn. Thời gian qua, với tinh thần “Để không ai không có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau”, từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng đến các tổ chức xã hội đã có những hoạt động chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà Tết được trao đã góp phần giúp cho mọi nhà, mọi người đều có Tết. Đó là truyền thống nhân ái, đạo lý người Việt, nhân lên, lan tỏa những giá trị nhân văn.
Đất nước bước vào tháng 2/2024 với ngày lễ trọng đại kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024). Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với tiêu đề "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".
Tự hào về Đảng quang vinh, tự hào về đất nước, qua đó giúp mỗi người nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy hơn nữa trách nhiệm cá nhân, chung sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, nhằm thực hiện được các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.
Sau gần 40 năm đổi mới, chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Điều đó không chỉ được mọi người dân Việt Nam ghi nhận, mà bạn bè quốc tế đều đánh giá cao.
Phía trước luôn có những cơ hội và thách thức đan xen. Hơn lúc nào hết, phải đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn... Cuộc sống luôn đặt ra các yêu cầu về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế nhiều hơn nữa. Việt Nam đã và đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; do vậy, phát huy tối đa nguồn lực, giải phóng nguồn lực luôn đòi hỏi hoàn thiện quy định chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính. Đó cũng là áp lực tích cực để đổi mới sáng tạo.