Phát sinh một số khó khăn trên thực tiễn
Thực tiễn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2014 cho thấy, Luật đã có những quy định đột phá về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực HNGĐ, được sự đồng thuận cao từ xã hội cả trong nhận thức, xây dựng và áp dụng pháp luật. Trong đó, quy định về xác định cha, mẹ, con đã góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà mẹ, trẻ em, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của gia đình với lợi ích của cá nhân, tổ chức khác.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn khi áp dụng. Chẳng hạn như, đối với trường hợp đang tiến hành kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mà người chồng chết, đứa trẻ sinh ra đã quá 300 ngày kể từ khi hôn nhân chấm dứt thì đứa trẻ có được xác định là con chung của vợ, chồng không? Trong trường hợp này là có mong muốn của cả hai vợ chồng nhưng quá thời gian luật định mà pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể.
Đối chiếu nguyên tắc quy định tại Điều 88 Luật HNGĐ thì đứa trẻ trong trường hợp này không là con chung của vợ, chồng dù thực tế đứa trẻ đó mang huyết thống của người cha đã chết và được sinh ra hoàn toàn dựa trên sự mong muốn của người đã khuất. Nếu xác định đứa trẻ sinh ra không phải con chung của cặp vợ chồng vô sinh thì sẽ ảnh hưởng lớn.
|
Ảnh minh họa |
Rồi trường hợp đang trong quá trình thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mà người chồng bị tuyên bố mất tích thì người vợ có được tiếp tục thực hiện và nếu thực hiện thì xác định cha, mẹ, con như thế nào?. Do đó, cần làm rõ hơn việc xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nêu trên.
Đáng chú ý, theo Luật HNGĐ, trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con chung của vợ chồng thì phải có chứng cứ và Tòa án xác định. Nhưng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án chỉ giải quyết việc xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ khi có tranh chấp; trường hợp không có tranh chấp thì không thuộc thẩm quyền của Tòa án.
|
Ảnh minh họa |
Nên phân biệt 2 trường hợp
Một giảng viên đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội cũng đề cập những bất cập xoay quanh trường hợp con sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân là con chung của vợ chồng (Điều 88 Luật HNGĐ). Cụ thể, nếu sau khi chấm dứt hôn nhân người mẹ kết hôn ngay và vẫn sinh con trong vòng 300 ngày đó thì việc xác định người chồng nào là cha của đứa trẻ một cách đương nhiên là rất khó khăn.
Nếu căn cứ vào việc con do người mẹ có thai trong thời kỳ hôn nhân thì người chồng thứ nhất được xác định là cha của đứa trẻ; nếu căn cứ vào việc con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì người chồng thứ hai được xác định là cha của đứa trẻ. Cách quy định này dẫn tới việc áp dụng pháp luật khó khăn cho các UBND.
|
Ảnh minh họa |
Sở dĩ như vậy là do quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật HNGĐ quy định: “Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định”; đồng thời tại khoản 1 Điều 88, Luật HNGĐ cũng quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định đó là con mình”. Bởi thế, yêu cầu xác định cha cho con của người mẹ trong trường hợp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có thẩm quyền, không thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký hộ tịch.
Có điều, ông Cao cho hay, đa phần công dân trong trường hợp này phản ánh Tòa án không thụ lý giải quyết hoặc có thụ lý nhưng sau đó đình chỉ việc giải quyết vì cho rằng không có “tranh chấp”, dẫn đến việc trẻ em không được đăng ký khai sinh kịp thời hoặc đăng ký khai sinh nhưng không đúng với thông tin về người cha thực tế của trẻ.
Ông Cao đề nghị các cơ quan cấp trên xem xét giải quyết theo hướng: Trong trường hợp không có tranh chấp thì nên giao thẩm quyền cho cơ quan hành chính (cơ quan đăng ký hộ tịch) xác minh và giải quyết. Trường hợp tại thời điểm nhận con mà các bên có tranh chấp thì cơ quan đăng ký hộ tịch chuyển hồ sơ cho Tòa án giải quyết.