Không phân loại văn bằng đại học: Có để vàng thau lẫn lộn?

(PLVN) - Dự thảo Thông tư về văn bằng giáo dục đại học (ĐH) của Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đang gây lo lắng khi không phân biệt hình thức đào tạo chính quy với tại chức, không phân loại bằng khá - giỏi với lý giải là sửa đổi để phù hợp thông lệ quốc tế. 
Lo lắng vàng thau lẫn lộn? Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi mà những sai phạm của kì thi năm 2018, những người thầy ở các địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đang phải hầu tòa vì đã bất chấp mọi giá để đưa con em vào đại học (ĐH); khi mà chuyện mua bằng, bán điểm vẫn diễn ra công khai, khi mà chất lượng đào tạo ĐH chính quy và không chính quy ở Việt Nam là một khoảng cách xa vời, thì dư luận hoang mang về những đề xuất sửa đổi này của Bộ là hoàn toàn có cơ sở…

Lo nhập nhèm chất lượng

Hiện nay, chất lượng đào tạo hệ tại chức, vừa học vừa làm hay đào tạo từ xa (không chính quy) trong các trường ĐH vẫn được đánh giá chưa ngang bằng với đào tạo chính quy. Do đó, xã hội vẫn chưa đánh giá cao bằng ĐH hệ tại chức, đào tạo từ xa…

Chính vì thế tại một số cơ quan nhà nước cũng không mặn mà đối với những người tuyển dụng có văn bằng đào tạo không chính quy. Còn nhớ năm 2013, UBND TP Đà Nẵng đã công khai quyết định “cấm các cơ quan, công sở trên địa bàn tuyển dụng sinh viên hệ tại chức”.

Trước băn khoăn về những quy định mới trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH, đại diện Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT cho biết, văn bản này đang trong quá trình lấy ý kiến rộng rãi theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phù hợp để hoàn thiện Thông tư có chất lượng và tính khả thi cao để đưa Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vào thực tiễn, góp phần đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam trong giai đoạn mới.

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT đã thông tin thêm: Theo đó, thực hiện quy định của luật, trong năm 2019, Bộ GD-ĐT tiến hành xây dựng song song các văn bản.

Cụ thể, Bộ chuẩn bị ban hành Thông tư ban hành Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Bên cạnh đó là Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH. Theo ông Mai Văn Trinh, luật quy định đối với giáo dục ĐH, người học khi tốt nghiệp sẽ được cấp đồng thời văn bằng và phụ lục văn bằng.

Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư này, ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia. Đại diện Cục Quản lý chất lượng cũng cho biết, theo quy định của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, văn bằng giáo dục ĐH gồm 3 loại: bằng cử nhân; bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ không có gì đáng nói nếu chất lượng cũng như ý thức của người học nghiêm túc. Trong khi ở Việt Nam hiện vẫn còn nhiều trường ĐH tổ chức đào tạo chạy theo lợi nhuận, người học chỉ cần bằng cấp mà không coi trọng kiến thức thì xã hội cũng khó có thể coi trọng hai bằng cấp của hai hệ đào tạo này có chất lượng tương đương. Vì thế, theo các chuyên gia, nếu thực hiện quy định này thì sẽ khó kiểm soát chất lượng đào tạo.

 Anh Minh Nguyên, một cựu sinh viên chia sẻ: “Tôi từng học, từng cố gắng; giỏi có, khá có, trung bình có; đã có bằng trường công, trường tư; chính quy và tại chức đầy đủ; nhưng tôi không đồng tình kiểu bằng cấp cào bằng, không phân biệt gì như thế này.

Tôi vẫn ủng hộ việc bằng cấp, học tập cần có đánh giá, xếp loại hẳn hoi để người học cố gắng; còn việc coi trọng bằng cấp mà không chú trọng thực lực không có là do người sử dụng và người đánh giá. Mong rằng không nên để lẫn lộn vấn đề này!”.

Một phụ huynh cũng cho rằng, cùng một trường, chất lượng hệ không chính quy, từ xa, liên thông... thấp hơn chất lượng hệ chính quy là điều không phải bàn cãi. Hệ chính quy, công tác đào tạo quy chuẩn, nghiêm túc hơn rất nhiều so với đào tạo từ xa, văn bằng 2...

Việc mua điểm, học hộ ở hệ chính quy cũng hạn chế hơn. Rồi con em mình cũng không cần thiết phải vào các trường ĐH theo kiểu cấp bằng đánh đồng như thế này.

GS.TS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho rằng, việc thay đổi phù hợp với xu thế thế giới. Tuy nhiên, xét về thực tế hiện nay có rất nhiều băn khoăn. Thực trạng đào tạo và chuẩn “đầu ra” ở các loại hình đào tạo gồm chính quy, vừa học vừa làm và từ xa ở Việt Nam đang không có sự tương đồng về chất lượng cho dù là giảng dạy cùng một chương trình, cùng giảng viên, cùng các điều kiện tiếp nhận kiến thức... Nguyên nhân do quá trình đào tạo và khâu đánh giá khác nhau.

Doanh nghiệp không chỉ dựa vào văn bằng khi tuyển dụng

Ở góc độ người dạy và người học là vậy, còn với người tuyển dụng nhân sự thì sao? Ông Đỗ Văn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, là một trong những đơn vị cung cấp các ứng viên cho các doanh nghiệp cho biết: “Hiện tại chúng tôi tiếp nhận yêu cầu tuyển dụng thì vẫn thấy nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng vẫn xem ứng viên của mình tốt nghiệp trường ĐH nào, loại hình đào tạo, chuyên ngành gì.

Điều đầu tiên khi tiếp cận ứng viên thấy họ tiếp cận qua công tác phân loại hồ sơ. Nếu bằng cấp không phân loại, chúng tôi sẽ gặp một chút rắc rối ở khâu này. Bước đầu tiên phỏng vấn họ vẫn căn cứ vào hồ sơ của ứng viên xem văn bằng gì, còn lại xét kỹ năng thực tế kèm theo. Họ có rất nhiều cách test khác nhau để chọn được người phù hợp vào vị trí tuyển dụng…”. 

Còn ông Lê Đức Cường - Trưởng phòng tuyển dụng Công ty TNHH Hạ tầng viễn thông miền Bắc thuộc FPT Telecom, cho hay, là doanh nghiệp chuyên về kỹ thuật, doanh nghiệp của ông ưu tiên các ứng viên có tay nghề cao nhưng để đi đến bước phỏng vấn kỹ, phòng tuyển dụng phải trải qua quá trình lọc hồ sơ.

Chẳng hạn ở một số vị trí nhất định, Công ty ưu tiên ứng viên có bằng khá trở lên. Khi lọc hồ sơ, việc bằng cấp ghi kết quả xếp loại sẽ giúp khâu này dễ dàng hơn. Khi nhìn xếp loại trên bằng cấp của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng xếp nhóm để phỏng vấn. 

“Nói chung, bằng cấp và nội dung ghi trên bằng là điều kiện cần chứ chưa đủ, doanh nghiệp đánh giá ứng viên chủ yếu dựa trên năng lực chứ không chỉ bằng cấp. Nhìn nhận thực tế, có sự khác biệt nhất định về chất lượng giữa hệ chính quy và tại chức, chứ không phải là không có khác biệt.

Tuy nhiên ở đâu cũng có người học giỏi, người không học giỏi, cũng có sinh viên không học ở môi trường chính quy nhưng chịu khó xâm nhập thực tế, kỹ năng tốt, ngược lại có sinh viên chính quy 4 năm học nhưng chỉ toàn lý thuyết thì chưa hẳn giỏi. Phần lớn doanh nghiệp khi tuyển dụng vẫn quan tâm đến văn bằng, tuy nhiên họ không chỉ dựa vào văn bằng khi chọn nhân sự” - ông Đỗ Văn Thành bày tỏ. 

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường ĐH FPT: Chủ trương đúng, nhưng quá vội?

Việc không ghi hình thức đào tạo lên bằng tốt nghiệp đã đặt dấu chấm hết lên chuỗi quy định pháp lý về vấn đề này. Điều này không bất ngờ bởi từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã quy định: tiêu chí đối tượng tuyển sinh, nội dung chương trình, giáo trình của hai hệ này là như nhau, thậm chí việc kiểm tra cùng một ngân hàng câu hỏi và tiêu chí xét tốt nghiệp giống nhau.

Đến việc Luật Giáo dục ĐH quy định các bằng “có giá trị pháp lý như nhau”. Nếu xem bằng chính quy là loại A, bằng tại chức là loại B và khi sản phẩm, dịch vụ các lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhiều năm chỉ còn một loại chất lượng thì việc xóa A, B trong giáo dục là cần thiết. 

Với một quy định như trên thì các trường ĐH buộc phải đảm bảo hai hệ thống đào tạo chính quy và tại chức cùng một chất lượng như nhau. Còn nếu trường nào mà không làm được các vị sẽ phải đồng nhất chất lượng chính quy, ngang với tại chức và chấp nhận là trường thứ hạng kém.

Với quy định có hai loại bằng như hiện nay, các trường có quyền tung sản phẩm chất lượng kém ra thị trường gắn mác “tại chức”. Về mặt nguyên tắc, chất lượng kém không được phép tung ra thị trường.

Tại chức lâu nay vẫn được coi là “nồi cơm” của các trường công lập, nhưng trong xu thế tự chủ và xu thế văn hóa chất lượng thì chất lượng phải là số 1. ĐH FPT đã không dạy hệ tại chức từ lâu, với quan điểm không sản xuất ra “sản phẩm” loại A, hay B, vì đơn giản đã là phế phẩm thì không cho ra “lò”… Theo tôi, chủ trương này là đúng nhưng Bộ GD-ĐT đang làm quá vội vàng! 

Trên thực tế, không phải bất cứ ai tốt nghiệp ĐH chính quy cũng đều có năng lực, phẩm chất hơn người học không chính quy. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ siết chất lượng đào tạo, cho dù đào tạo chính quy hay không chính quy cũng cần chú trọng để có chất lượng thực. Theo tôi, hệ nào cũng phải đảm bảo chuẩn đầu ra giống nhau, chất lượng giống nhau.

Quy định này nó sẽ đẩy các trường vào thế là giờ anh phải làm được điều đó, nếu không sẽ phải trả giá bằng chính tên tuổi của mình… Các trường có quyền tự chủ rồi thì phải chịu trách nhiệm chất lượng của mình, công bố chuẩn đầu ra, kiểm định chất lượng…

GS Trần Văn Chứ - Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam: Cần sàng lọc, không tuyển sinh bằng mọi giá

Thực tế đào tạo ở Việt Nam hiện nay và 5 năm tới vẫn còn nhiều trường ĐH tổ chức đào tạo theo lợi nhuận, còn người học chỉ cần bằng cấp. Do đó, khó có thể đánh giá chất lượng đào tạo “chính quy và tại chức tương đương nhau”.

Để hình thức đào tạo chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau thì các trường ĐH phải có trách nhiệm trong đào tạo, không đào tạo dàn trải, không tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, số lượng mà phải có sự sàng lọc. 

PGS TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM: “Nói chuẩn đầu ra giống nhau” là cách nói xoa dịu

Bởi nếu đã không coi trọng bằng cấp thì phải xây văn hóa chất lượng mà việc triển khai ở Việt Nam hiện nay là rất khó. Phương thức đào tạo vừa làm vừa học hiện nay chủ yếu là cuốn chiếu. Thầy giáo sẽ dạy rất nhanh kết thúc môn trong 1 hoặc vài tuần.

Chưa kể là hệ vừa làm vừa học, người học đi làm cả tuần, chỉ học buổi tối và Thứ 7, Chủ Nhật thì không còn năng lượng học nên không thể đảm bảo. Thậm chí, nếu đánh giá các hệ các hệ đào tạo cùng một chuẩn đầu ra, thì người học hệ vừa làm vừa học và các hệ khác sẽ rớt kha khá.

Bạn Nguyễn Hoàng Cảnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai): Điều này khiến những người học chính quy sẽ không tâm phục, khẩu phục

Chỉ làm một bài toán so sánh nhỏ giữa ĐH chính quy và ĐH tại chức, sẽ thấy có sự “cào bằng” trong bằng tốt nghiệp của hai loại hình này. Một sinh viên học ĐH chính quy phải trải qua một kỳ thi rất căng thẳng, đậu vào rồi phải mất 4-5 năm học tập trung, thậm chí để trở thành bác sĩ, họ phải mất 7 năm liên tục miệt mài trên ghế giảng đường, chi phí cho việc ăn học tốn kém rất nhiều mới có thể lấy được bằng ĐH.

Còn những người học tại chức, một năm chỉ học vài tháng, mỗi tháng học ít ngày, vừa học vừa làm và cuối cùng cũng nhận được bằng tốt nghiệp ĐH có giá trị tương đương với bằng ĐH của những người học chính quy.

Thứ nữa là, hiện nay trình độ đào tạo giữa các trường ĐH chưa có sự tương đồng về chất lượng, “đầu ra” giữa các hệ chính quy, hệ tại chức, từ xa... rõ ràng có sự khác biệt rất lớn về trình độ. 

Điều này khiến những người học chính quy sẽ không tâm phục, khẩu phục. Đối với dự thảo văn bằng ĐH sẽ không ghi xếp loại tốt nghiệp ĐH, điều đó sẽ dễ kéo theo sự “cào bằng” giữa những người học, làm giảm động lực phấn đấu của người học để mong đạt được tấm bằng loại giỏi hay bằng đỏ, sẽ có cơ hội việc làm tốt hơn những người tốt nghiệp chỉ ở mức trung bình.

Theo tôi, thay đổi là cần thiết nhưng trước hết Bộ GD-ĐT cần lập lại quản lý cũng như bảo đảm chất lượng giáo dục của các trường ĐH, kéo gần khoảng cách chênh lệch trình độ giữa các loại hình đào tạo ĐH, để bất kỳ người nào học xong chương trình ĐH dù ở loại hình đào tạo nào cũng đều thấy tấm bằng của mình thực sự giá trị, bởi trong đó là mồ hôi, công sức và trí tuệ. 

N.Thương (tổng hợp)

Đọc thêm