Không thể có chuyện hơn 70 tuổi vẫn là ĐBQH

(PLVN) - Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động QH, nên bắt đầu từ việc lựa chọn ĐBQH đủ trình độ, kinh nghiệm hoạt động nghị trường, đồng thời nâng cao tỉ lệ các ĐBQH hoạt động chuyên trách... 
Ông Phạm Văn Hòa.
Ông Phạm Văn Hòa.

Tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách để hạn chế hoạt đông kiểu "xuân thu nhị kỳ"

Cho rằng việc tăng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách đã trở thành yêu cầu khách quan của thời đại, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị trong QH khóa tới chúng ta cần nâng tới 40% ĐB chuyên trách để giúp các ĐB đó có điều kiện chuyên sâu về lập pháp.

Mới đây, phát biểu tại phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ QH, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết, mục tiêu đạt 40% số lượng ĐBQH chuyên trách là điều mong muốn và được bàn từ Đại hội XI.

Phó Chủ tịch QH cũng đề nghị cùng với việc nâng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách lên 40%, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội nên ghi rõ dành 3-5% cho các chuyên gia và những người có kinh nghiệm từng công tác tại các cơ quan QH và các bộ, ngành.

“Họ không giữ chức vụ gì cả, chỉ làm ĐBQH thôi. Như vậy sẽ thu hút chất xám và kinh nghiệm công tác, trí tuệ, uy tín của họ đóng góp cho hoạt động của QH”, bà Phóng đề xuất. 

Tuy nhiên, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, mặc dù luật hiện hành quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách là 35%, nhưng chưa bao giờ đạt được mức này. Bởi vậy, theo ông Phúc, mức 35% đã là tốt rồi, ghi cao hơn nữa e rằng khó đạt.

Đồng tình với quan điểm là cần thiết phải tăng cường số lượng ĐBQH chuyên trách và giảm số lượng ĐBQH kiêm nhiệm ở các ngành, ông Phạm Văn Hòa dẫn thực tế: "Tôi thấy nhiều nhiệm kỳ qua, phần lớn hoạt động trong QH là của ĐB chuyên trách, còn ĐB kiêm nhiệm thường hoạt động theo “xuân thu nhị kỳ”, tức là mỗi năm hai lần họp QH thì đi dự, còn họp thành viên Ủy ban thì lúc họp, lúc không".

Độ tuổi phải căn cứ vào Bộ luật Lao động

Liên quan đến quy định giới hạn độ tuổi của ĐBQH, ông Hòa cho rằng tất cả các tổ chức khác đều có giới hạn độ tuổi, vì vậy mặc dù cần tăng cường với những ĐBQH có kinh nghiệm, nhưng cũng phải giới hạn độ tuổi của ĐBQH, không thể có chuyện hơn 70 tuổi vẫn là ĐBQH.

“Kinh nghiệm vẫn cần, làm sao cơ cấu giới thiệu ĐB ứng cử thấp nhất cũng được 2 nhiệm kỳ, đặc biệt là ĐBQH chuyên trách, sau đó thì nên thôi để giới thiệu ĐB khác. Trong 2 kỳ hoạt động của ĐBQH, tôi nghĩ cũng tương đối tốt rồi, tuy nhiên những ĐBQH chuyên trách hoạt động trong các Ủy ban thì có thể kéo dài hơn” - ông Hòa đề nghị.

Theo ông, những ĐB là Ủy viên Thường trực và các Phó Chủ nhiệm các Ủy ban trở xuống có thể làm việc 3 nhiệm kỳ, nhưng cũng không kéo dài quá tuổi.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, ĐBQH chuyên trách hay kiêm nhiệm cũng cần thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi.

Bên cạnh đó, dành tỉ lệ phần trăm nhất định đối với những ĐB hoạt động có kinh nghiệm, cần thiết có thể tham gia ứng cử ĐBQH nhưng cũng không quá 65 tuổi.

Lý giải điều này, ông Hòa cho biết, những ĐBQH đã 70 hoặc hơn 70 tuổi - mặc dù có kinh nghiệm nhưng sẽ có nhiều hạn chế trong hoạt động của ĐBQH do vấn đề sức khỏe. Theo ông Hòa, trừ những trường hợp đặc biệt, còn phải căn cứ vào Bộ luật Lao động sửa đổi.

Giải thích thêm về độ tuổi của ĐBQH chuyên trách, ông Phạm Văn Hòa kiến nghị: “Nếu khư khư áp dụng Bộ luật Lao động sửa đổi thì chúng ta sẽ không có những ĐB nhiều kinh nghiệm trong hoạt động QH, vì thế cần những ĐB ngoài tuổi lao động tham gia ứng cử để thực hiện nhiệm vụ QH giao.

Nhưng không phải đây là những vị đã cho nghỉ hưu rồi, giờ lại giới thiệu ứng cử tham gia ĐBQH, mà những vị này vẫn còn tuổi và được giới thiệu để họ chuyển tiếp nhiệm vụ cho thuận lợi, dễ dàng.

Tôi thấy trong thời gian qua có những trường hợp đã cho nghỉ hưu, rồi chuyển qua hoạt động tại một số hội quần chúng, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, sau đó được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH...

Sửa đổi Luật Tổ chức QH kỳ này chúng ta phải xem các trường hợp đó, để những ĐBQH hoạt động chuyên trách được giới thiệu tuổi cao hơn, những ĐB không hoạt động chuyên trách thì phải giới thiệu tuổi cho rõ ràng”. 

Trước ý kiến đề xuất mời các chuyên gia có kinh nghiệm tham gia ĐBQH nhằm thu hút tài năng, trí tuệ trong hoạt động của QH, ông Hòa nhận định: Những chuyên gia làm nhiệm vụ tư vấn cho ĐBQH là rất tốt, nhưng họ không nên ứng cử ĐBQH, vì những vị đó đã lớn tuổi; đối với những chuyên gia còn trong độ tuổi thì nên áp dụng.

ĐBQH phải có tâm, có tầm, đó là những người dám phản biện xã hội, dám tranh luận và hiểu biết công việc. Bởi vậy, với những chuyên gia dù có kinh nghiệm nhưng không dám tranh luận và phản biện xã hội thì không nên mời.

Đọc thêm