Chiều 15/7, tại Hà Nội, trong buổi báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng chống mại dâm, cai nghiệm phục hồi 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011, Cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Lê Thị Hà cho biết, sẽ tiếp tục phải phòng chống tệ nạn này.
"Trong giai đoạn 2011-2015, xuất phát từ đặc điểm truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục... pháp luật Việt Nam một lần nữa khẳng định không thể coi mại dâm là một nghề và phòng chống mại dâm tiếp tục được coi là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội", bà Hà nhấn mạnh.
Theo bà Cục phó, phải kìm hãm và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm bởi nó làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gia đình, xã hội. Mại dâm và tình dục không an toàn đã, đang và sẽ là một trong những nguyên nhân làm lây truyền HIV-AIDS.
"Ngày 28/6, tại hội thảo ở Quảng Ninh, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vì nhiều hoàn cảnh xô đẩy mà phụ nữ phải bước vào con đường mại dâm nên phải giúp đỡ để họ tiếp cận các dịch vụ xã hội và làm họ bớt tổn thương. Đấy là ý tưởng duy nhất mà bộ trưởng nhấn mạnh chứ không có nghĩa coi mại dâm là một nghề", Cục phó Lê Thị Hà nói thêm.
Bà Hà cho rằng, Việt Nam đang đấu tranh phòng chống mại dâm trong điều kiện thuận lợi bởi có sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và Bộ có kinh nghiệm từ những năm trước cũng như qua học tập cách làm của nhiều nước.
Cục phó Lê Đức Hiền thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm đã phát hiện gần 10.000 cơ sở vi phạm, phạt tiền 7 tỷ đồng và thu hồi giấy phép của 251 cơ sở. Lực lượng công an cũng triệt phá 380 vụ, bắt gần 750 gái bán dâm, hơn 470 khách mua dâm và 300 chủ chứa, môi giới. Hơn 14.800 người bán dâm đang được quản lý qua hồ sơ, và 1.300 người đang được chữa trị, giáo dục.
Ông Hiền đánh giá tình hình tệ nạn mại dâm tại các địa phương vẫn phức tạp, do có sự biến tướng trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, mại dâm trá hình, mại dâm sử dụng công nghệ thông tin hiện đại và mại dâm tại khu vực biên giới tiếp tục gia tăng.
Các quán cà phê trá hình trên phố Phan Đăng Lưu (Hà Nội) hoạt động công khai từ nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương cũng đành "bó tay". |
Nhắc tới hạn chế của công tác phòng chống mại dâm, ông Hiền chia sẻ, hiện đội ngũ cán bộ chuyên trách về phòng chống mại dâm ở các cấp, nhất là cơ sở còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc. Kinh phí cho hoạt động ở một số tỉnh còn chậm và thấp. Trung bình mỗi tỉnh chi 200 triệu đồng một năm cho công tác phòng chống mại dâm.
Thêm vào đó, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền cơ sở nhiều nơi chưa thực sự sâu sát. "Nếu nạn mại dâm hoạt động công khai thì chứng tỏ địa phương chưa sâu sát hoặc có thể nơi đó tập trung lực lượng để xử lý ma túy nên sao nhãng mại dâm”, ông Hiền nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng nên công khai hóa mại dâm và lập "phố đèn đỏ", Cục phó Lê Đức Hiền chia sẻ: "Đây có thể là một cách để suy nghĩ. Nhưng trình độ quản lý ở ta hiện nay chưa thể làm được. Nếu đưa mại dâm hoạt động công khai ở khu phố nào đó, chưa thể đảm bảo quản lý được khu vực này và như vậy ở các khu lân cận liệu có quản lý được? Không cẩn thận, mại dâm sẽ bùng phát".
Theo VnExpress