Không thể kết tội trên cơ sở nghi ngờ

(PLVN) - Sự nghi ngờ có thể giết chết một con người. Án mạng vừa xảy ra tại Long An mới đây là một ví dụ. Một người cha đang chơi cùng con vui vẻ và bình yên trong công viên mà bị nghi là bắt cóc trẻ em. 
Hình minh họa

Sau tiếng hô hoán của một bà già, nhóm thanh niên đổ ra quây đánh anh này và mặc cho nạn nhân ra sức giải thích là đang chơi với con vẫn bị một kẻ có tý hơi men dùng dao đâm chết.

Trước đây, rất nhiều trường hợp bị nghi là trộm chó, bị bắt, bị đánh, bị giam hãm, bị đốt xe ô tô,... trong số nạn nhân có cả thầy giáo đến chơi nhà người quen, doanh nhân đi liên hệ công việc, thanh niên sang làng bên chơi. Nạn nhân bị nghi là bắt cóc trẻ em bị hành hạ, bị đánh hội đồng, bị làm nhục mà không tìm hiểu rõ ngọn ngành cũng xảy ra khá nhiều. Tình trạng này phản ảnh não trạng nghi ngờ và sự manh động, ưa dùng bạo lực, thiếu tôn trọng pháp luật trong xã hội chúng ta.

Khác hẳn với các trường hợp nói trên, mới đây, một tài xế bị kết tội vì bị nghi là bắt cóc trẻ em. Đó là tài xế xe khách trú tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trên đường xe anh suýt đâm phải một cháu bé chạy ngang đường đang khóc, anh dừng xe, hỏi han mọi người xung quanh nhưng không ai biết đứa trẻ ở đâu. Lo ngại cho tình trạng của cháu bé mới 2 tuổi bị nguy hiểm, anh đưa lên xe và chăm sóc dưới sự chứng kiến của nhiều hành khách trên xe. Sau khi nhận tin báo từ dân, Cảnh sát giao thông đã dừng xe, đưa tất cả số người trên xe về trụ sở trong đêm để làm rõ hành vi “giữ người trái pháp luật”. Và, người tài xế xe khách đó bị truy tố về tội “Giữ người trái pháp luật”, qua 2 lần xét xử, bản án phúc thẩm tuyên tài xế này 15 tháng tù giam.

Thiết nghĩ, để làm rõ các chứng cứ buộc tội “giữ người trái pháp luật” hay giải tỏa mối nghi ngờ “bắt cóc trẻ em” trong trường hợp này là không khó bởi có rất nhiều nhân chứng chứng kiến hành động của anh tài xế bị kết tội kia. Hơn nữa, chỉ bằng cảm quan và một tư duy lành mạnh, chúng ta cũng thấy rằng không ai làm cái chuyện bắt cóc trẻ con công khai như thế cả, “giữ người trái pháp luật” với một đứa trẻ đang trong tình trạng thiếu an toàn lại càng không. Còn áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” vào đây thì anh tài xế kia chỉ có sự tốt bụng thôi chứ chẳng có tội gì ngoài chuyện “làm ơn, mắc... án”. 

Truyền thông chúng ta tập trung khai thác các vụ ly hôn nghìn tỷ hay chuyện xước tý gân chân của ca sỹ mà không quan tâm lắm đến những vụ án “lẻ tẻ” kiểu này. Nhưng sinh mệnh pháp lý của một con người bị tước đoạt, sự kết tội của Tòa án càng làm cho sự nghi ngờ trong xã hội gia tăng, có còn chỗ cho lòng tốt nữa không? 

Đọc thêm