Vì sao chúng ta quan tâm đến vụ ly hôn của người nổi tiếng?

(PLVN) - Không chỉ dõi theo số phận của một thương hiệu lớn, chúng ta còn đang ngóng chờ kết luận cuối cùng, kết quả “thắng” hay “thua” cho những con người có sắc, có tài như vợ chồng ông bà Vũ – Thảo. Hành động này có thể lý giải theo tâm lý học như thế nào?.

Cuộc ly hôn tốn giấy bút của báo chí và... cả xã hội
Cuộc ly hôn tốn giấy bút của báo chí và... cả xã hội

Khởi đầu từ mô hình công ty gia đình, Trung Nguyên đã vươn lên và trở thành nhãn hàng cà phê nổi tiếng nhất Việt Nam. Thương hiệu này đã đưa sản phẩm của mình tới hơn 50 nước trên thế giới. Có thể nói Trung Nguyên là một trong những niềm tự hào của người Việt vì là một trong số ít nhãn hàng Việt Nam có thể vươn mình ra thương trường quốc tế. 

Từ năm 2016, vụ ly hôn của hai người điều hành Trung Nguyên – ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo gây xôn xao. Đặc biệt trong thời gian cuối năm 2018, đầu năm 2019, báo chí liên tục đưa tin về những phiên tòa, dân tình chăm chú theo dõi từng lời nói của hai người trước tòa, tìm hiểu về quá khứ của hai người: cân đo về công sức, đóng góp của từng người với Trung Nguyên và đánh giá người đúng – người sai... 

Tại sao chúng ta lại quan tâm đến người nổi tiếng đến vậy? 

Quan tâm đến người khác để sinh tồn tốt hơn 

Theo thông tin từ TS. Tâm lý Frank McAndrew của trường Đại học Knox (Mỹ) đăng tải trên trang Psychology Today về tâm lý học, muốn biết về người khác là nhu cầu có từ thời đồ đá.

TS. Frank McAndrew ngành Tâm lý của ĐH Knox (Mỹ)
TS. Frank McAndrew ngành Tâm lý của ĐH Knox (Mỹ)

Vào thời kỳ này, con người sống theo những nhóm nhỏ, tất cả mọi người đều biết đến nhau. Họ nhớ các đặc điểm, chi tiết của nhau để cùng tồn tại. Sự xuất hiện của một người hoặc một nhóm người ngoài được coi là hiện tượng lạ và không mong muốn. 

Với nguồn lương thực có hạn, bản năng sinh tồn của một nhóm sẽ khiến họ cảnh giác với những nhóm khác, thậm chí coi là kẻ thù. Để bảo vệ bản thân và cộng đồng của mình, các nhóm cần biết về đối thủ của mình để có thể đối phó với cần thiết. Điều này lý giải sự quan tâm giữa các cá nhân về nhau.

Để nâng cao kỹ năng sinh tồn của bản thân, con người cần nhìn và học tập từ những cá nhân xuất sắc hơn. Nhờ thế, một người có thể học cách hình thành đồng minh, bạn bè hoặc gia đình. 

Trong cuộc sống hiện đại, người nổi tiếng trở thành hình mẫu để người khác soi vào, học hỏi để trở nên thành công hoặc lý tưởng tương tự.

“Tám chuyện” và nhu cầu thể hiện bản thân

TS. McAndrew cũng chỉ ra trong thế giới hiện đại, câu chuyện về người nổi tiếng là nguyên liệu cho những cuộc bàn tán, là một hình thức để tăng cường giao tiếp và gắn kết với người xung quanh, phục vụ cho sự gắn kết xã hội. 

Trở lại với trường hợp của ông Vũ và bà Thảo, những quan tâm và bình luận về yêu cầu đến từ hai người đều bị đưa ra đánh giá, mổ xẻ. Đánh giá càng thuyết phục thì càng được hưởng ứng. 

Bị đánh giá bởi số đông hoặc một cách thiếu khách quan có thể gây tổn hại cho người khác (ảnh: internet)
Bị đánh giá bởi số đông hoặc một cách thiếu khách quan có thể gây tổn hại cho người khác (ảnh: internet)

Dựa trên hiểu biết cá nhân về luật, về cuộc sống đời tư của đôi vợ chồng nổi tiếng và nhân cách, đạo đức, nhiều người đưa ra bình luận của bản thân về “hợp lý” hay “vô lý”, “quá đáng” hay “phù hợp” “đúng” và “sai” trước khi tòa đưa ra phán quyết.

Những đánh giá nhận được nhiều sự  hưởng ứng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, và chủ nhân của lời đánh giá đó cảm thấy thỏa mãn vì được ngưỡng mộ và đồng tình bởi nhiều người.

Tuy nhiên, cũng như nhiều cuộc ly hôn khác – có những thông tin công khai và có những thông tin cá nhân mà chỉ người trong cuộc mới biết. Nhanh chóng đánh giá trước khi có phán quyết cuối cùng của tòa án có thể dễ gây ra góc nhìn sai lầm và thiếu khách quan cho người trong cuộc.

Đọc thêm