Như vậy, sự kiện chính trị được quốc tế quan tâm nhất đầu năm 2019 là Hội nghị Thượng đỉnh (HNTĐ) Mỹ - Triều Tiên (lần thứ 2) diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc. Mặc dù hai bên không ký được thỏa thuận nào và kết thúc sớm hơn dự định nhưng chúng ta tin hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế của thời đại.
Ngay Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi rời Hà Nội đã khẳng định ông rất muốn dỡ bỏ cấm vận đối với Triều Tiên vì ông tin tiềm năng của nước này. Với Việt Nam, chúng ta đã làm tốt hơn có thể cho HNTĐ Mỹ - Triều Tiên.
Hình ảnh mới của Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Bên lề HNTĐ, nhiều hợp đồng làm ăn của các doanh nghiệp Việt và đối tác Mỹ đã được thực hiện. Bầu trời và ước mơ của người Việt tiếp tục “mở”. Điều đó, dễ nhận ra ở nhu cầu mở đường bay thẳng Việt - Mỹ. Các chuyến bay Việt Nam – Mỹ không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch mà còn giúp tiếp tục phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương giữa hai đất nước đang có mối quan hệ ngày càng thân thiết.
Thông tin từ Vietjet, Hãng hàng không này đã ký hợp đồng mua 100 máy bay với Boeing và bảo dưỡng động cơ với Tập đoàn General Electric, tổng trị giá 18 tỷ đô la Mỹ. Đây là một trong các bước đi quan trọng của Vietjet trong kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế với hiệu suất vượt trội, mang lại cho khách hàng nhiều cơ hội trải nghiệm bay thú vị tới các điểm đến quốc tế mới. Hợp đồng ký kết dưới sự chứng kiến của nguyên thủ hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hãng hàng không Bamboo Airways cũng đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing.
Hình ảnh Việt Nam đến với thế giới, không chỉ là những hợp đồng “khủng” mà đến ngay từ những bát bún thang, suất bún chả phục vụ các phóng viên quốc tế trong 2 ngày diễn ra HNTĐ Mỹ - Triều. Đây là hai món ăn được các phóng viên thích thú và ăn nhiều nhất. Và nữa, đó là một Hà Nội tươi đẹp, mến khách. Nhân dân Hà Nội có vinh dự được thay mặt cả nước góp công âm thầm vào HNTĐ Mỹ - Triều.
Khép lại HNTĐ Mỹ - Triều Tiên (lần thứ 2), mặc dù kỳ vọng của 2 quốc gia này về nhau chưa đạt được nhưng hình ảnh Việt Nam chắc chắn đọng mãi, lan tỏa mãi.
Hôm nay, ngày 1/3, chuyến thăm chính thức Việt Nam của nguyên thủ Triều Tiên sau 61 năm, Chủ tịch Kim Jong Un bắt đầu. Chắc chắn, đây là “cột mốc lịch sử” mới giữa 2 nước. Chắc chắn, đây là biểu hiện sinh động về sự tin cậy giữa hai nước, ở tầm cao mới, giúp vạch ra hướng phát triển quan hệ thời gian tới. Chắc chắn, hợp tác kinh tế Việt - Triều sẽ thay đổi. Việt Nam có thể hỗ trợ Triều Tiên trên khía cạnh mong muốn đóng góp vào tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên. Chúng ta không mong muốn gì hơn thế.