'Không thể không có tiền mà cứ xài sang được'

(PLVN) - Chiều 8/6, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: Trong bối cảnh hụt thu có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, cần lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành phải giảm chi tương ứng...
Đại biểu Vũ Hồng Thanh phát biểu thảo luận tại tổ chiều 8/6
Đại biểu Vũ Hồng Thanh phát biểu thảo luận tại tổ chiều 8/6

Theo ông Thanh, những kết quả đạt được đầu năm 2020 đến nay là hết sức quan trọng. Kết quả tăng trưởng GDP đạt 3,82% cũng là ấn tượng, mặc dù thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Riêng công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao, là 1 trong số ít quốc gia kiềm chế được dịch bệnh.

Tuy nhiên, đối với nền kinh tế, tổng cung, tổng cầu bị ảnh hưởng, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của nước ta từ các nước khác bị đứt đoạn, bị hạn chế; chuyên gia nước ngoài làm việc cho các dự án cũng bị gián đoạn…

Vì vậy, việc duy trì tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài khóa, tiền tệ… từ giờ đến cuối năm của chúng ta cũng cần các giải pháp. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cũng đã đưa ra nhiều giải pháp. 

Ngoài ra, về vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài, hiện có làn sóng đầu tư rời Trung Quốc nhưng quan ngại khi so sánh về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… với một số nước khác thì chúng ta chưa phải cạnh tranh, đòi hỏi cần cải thiện ra sao để đón được làn sóng đầu tư này.

Ông Thanh chia sẻ, "cái khó của chúng ta là phải đảm bảo mục tiêu kép – vừa tăng trưởng kinh tế vừa phòng chống dịch. Như du lịch chẳng hạn, cho khách nước ngoài vào thì chống dịch sẽ như thế nào, khi trong số các trường hợp mắc Covid-19 ở nước thì hơn 200 trường hợp là từ nước ngoài về. Nếu cho khách nước ngoài vào, lượng khách du lịch sẽ tăng ngay nhưng chống dịch lại rất khó khăn".

Từ đó, ông Thanh nêu vấn đề: “Những tháng cuối năm có điều chỉnh các mục tiêu mà Quốc hội đã giao không. Bởi nói gì thì nói, chắc sẽ không đạt được con số GDP 6,8% theo Nghị quyết của Quốc hội. Kỳ họp này có đặt vấn đề điều chỉnh không?. Tinh thần của Trung ương là chúng ta sẽ quyết tâm đạt đến mức cao nhất, còn sau này, đến kỳ họp cuối năm được con số nào thì các đại biểu Quốc hội chắc sẽ không tạo áp lực". 

Theo ông Thanh, tăng trưởng không đạt được mục tiêu đề ra, kinh tế “hụt thu” dự kiến có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng thì Quốc hội cần lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành trong điều hành, thực hiện chính sách phải giảm chi tương ứng, dù GDP không điều chỉnh ngay bây giờ. 

“Tương tự như trong gia đình, không thể không có tiền cứ xài sang được mà cần cắt giảm chi tiêu”, ông Thanh so sánh.

Đồng thời, cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chúng ta cần quan tâm kích cầu nội địa với thị trường gần 100 triệu dân. Anh Thanh nêu ví dụ, đối với du lịch, vừa qua, ông đi cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc tại Quảng Ninh thì thấy nếu chỉ một mình Quảng Ninh sẽ không tạo ra tour được mà cần sự chung tay của các địa phương khác. Bên cạnh đó, đẩy mạnh ủng hộ chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục thị trường Việt Nam” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát triển thị trường nội địa…

Đọc thêm