Kinh tế khó khăn đồng nghĩa với việc thu ngân sách giảm, cùng với đó Nhà nước vẫn phải đảm bảo các khoản chi thường xuyên, chi cho tăng lương, chi đảm bảo an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển…Vì thế, mục tiêu đặt ra là bằng mọi cách phải tiết kiệm, tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất. Đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm từ nghị trường Quốc hội cho đến dư luận ngoài xã hội…
Kinh tế khó khăn đồng nghĩa với việc thu ngân sách giảm, cùng với đó Nhà nước vẫn phải đảm bảo các khoản chi thường xuyên, chi cho tăng lương, chi đảm bảo an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển…Vì thế, mục tiêu đặt ra là bằng mọi cách phải tiết kiệm, tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhất. Đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm từ nghị trường Quốc hội cho đến dư luận ngoài xã hội…
|
Minh họa |
Cơ cấu lại các khoản chi ngân sách
Chính phủ cho biết với tình hình khó khăn như hiện tại dự kiến có 28 tỉnh trong cả nước hụt thu với số tiền khoảng 13.000 tỷ đồng. Việc hụt thu được xác định do nguyên nhân khách quan (do thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường).
Trong điều kiện thu ngân sách như vậy thì Chính phủ vẫn phải tiến hành song song nhiều biện pháp để tháo gỡ những khó khăn của nền kinh tế. Ví dụ việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế theo Nghị quyết số 29/2012/QH13 ngày 21/6/2012 của Quốc hội và Nghị quyết số 13/NQ - CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ, theo đó, chính sách miễn, giảm, giãn thuế đã có tác động và hiệu quả nhất định đối với sản xuất, kinh doanh, giảm bớt một phần khó khăn về vốn và tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp từng bước phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, chính sách này đã làm giảm thu NSNN (trường hợp miễn, giảm thuế), làm chậm dòng tiền vào NSNN (trường hợp gia hạn nộp thuế).
Hay như việc tăng lương để góp phần chia sẻ khó khăn cho người lao động, Chính phủ cũng phải tính toán đến việc cắt giảm từ các nguồn khác. Với khoảng 8 triệu người được tăng lương tối thiểu lên 1,15 triệu đồng bắt đầu từ ngày 1/7/2013 thì tổng số kinh phí cần là khoảng 20.700 tỷ đồng, tức là khoảng 1 tỷ USD, trong đó ngân sách trung ương phải lo 18.400 tỷ đồng và ngân sách địa phương phải lo 3.300 tỷ đồng. Để có nguồn tăng lương, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ thì bắt buộc phải cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước và triệt để tiết kiệm các khoản chi tiêu, trong đó có giảm mức đầu tư công, phát hành trái phiếu Chính phủ; tiết kiệm chi ngân sách TW…
Chỉ đơn cử để có tiền giải quyết hai vấn đề nói trên, Chính phủ phải “thắt lưng buộc bụng” là lẽ đương nhiên vì hầu bao ngân sách có hạn trong khi “nhà nhà cần tiền, người người cần tiền”.
Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên
Theo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước vừa được Quốc hội thông qua cuối tuần qua, năm 2013, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 816.000 tỷ đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 978.000 tỷ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Quốc hội cũng giao Chính phủ quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài; ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án hoàn thành trong năm 2013. Hạn chế khởi công mới các công trình, dự án, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ cho phép chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Một phương án khác cũng được Quốc hội đồng tình là trên cơ sở tổng mức vốn trái phiếu chính phủ được quy định tại Nghị quyết số 12/2011/QH13 của Quốc hội là 225.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015, căn cứ vào khả năng và hiệu quả sử dụng vốn, phát hành không quá 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ trong năm 2013, đồng thời, thu hồi số vốn trái phiếu chính phủ đã ứng trước của năm 2013. Đối với các chương trình mục tiêu Quốc gia, Nghị quyết cũng giao Chính phủ rà soát lại hiệu quả sử dụng vốn, bố trí hợp lý tỷ trọng vốn giữa chi sự nghiệp và chi đầu tư phát triển, ưu tiên cho các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Các giải pháp thắt chặt và quyết liệt trong việc quản lý các khoản chi với tinh thần chỉ chi cho những việc cấp bách, cần thiết sẽ tiếp tục được Chính phủ thực hiện trong năm 2013 dưới sự giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội…
• Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: Không nhất thiết cái gì cũng phải thật đẹp, thật hoành tráng
- Có một bất hợp lý khi chúng ta làm đường cao tốc, ví dụ như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 100km phải làm đến 10 nút giao, mất 12-15 ngàn tỷ cho nút giao. Rồi cứ 500 m lại phải làm hầm chui dân sinh, cũng mất rất nhiều tiên. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì chúng ta nên làm vừa phải, không nhất thiết phải thật đẹp, thật hoành tráng. Khó khăn thì phải chọn giải pháp nào ít tốn kém nhất. • Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển: (ảnh)
Cương quyết tiết giảm từ khâu dự toán
- Quốc hội vẫn đặt ra vấn đề tiết kiệm chi, đặc biệt là chi thường xuyên... Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có sự phát sinh ví dụ về hội nghị khánh tiết mua sắm xe công, lễ hội... Cái đó đã được cảnh báo là chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, cần cương quyết loại bỏ và tới đây trong kiến nghị của Ủy ban tài chính ngân sách và trong Nghị quyết của Quốc hội cũng nói đến vấn đề tiết kiệm chi tiêu nhất là chi cho các nội dung nói trên. Một biện pháp quản lý chi là cương quyết tiết giảm từ khâu dự toán, kiểm tra kiểm toán, thanh tra xuất toán những khoản chi. Những việc chúng ta làm không thể nào hết được nhưng bản thân phải nâng cao ý thức, tinh thần thực hiện luật chống tiết kiệm lãng phí và Nghị quyết TW 4. • ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh): Chớ đầu tư những công trình chưa thực sự cần
- Tôi đề nghị trong quá trình triển khai chi đầu tư phát triển mặc dù tăng nguồn nhưng cũng phải rà soát để đảm bảo tính tiết kiệm, tập trung vào đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất, tránh đầu tư một số công trình chưa thực sự cần thiết chẳng hạn như các công trình trụ sở làm việc, đặc biệt là phải quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi để phục vụ việc sản xuất và làm sao thu hẹp được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. |
PVNC