Có cả diễn đàn chia sẻ cách trục lợi bảo hiểm
Ông có thể cho biết, các vụ TLBH xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực, ngành bảo hiểm nào?
- Theo chúng tôi ghi nhận phản ánh từ phía các doanh nghiệp bảo hiểm, các vụ trục lợi chủ yếu xảy ra ở các dòng sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cá nhân như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, khám chữa bệnh. Số tiền bảo hiểm mà mỗi vụ trục lợi này gây ra khoảng vài, ba triệu đến vài chục triệu đồng nhưng tần suất xảy ra rất nhiều.
Ngược lại, các vụ trục lợi liên quan đến cháy kho bãi, đánh đắm tàu thuyền có tần suất xảy ra ít nhưng giá trị bảo hiểm bị trục lợi ở mỗi vụ là rất lớn.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn tới TLBH ngày càng gia tăng với những hành vi vô cùng xảo quyệt, tinh vi gây khó khăn trong việc thẩm định của cơ quan chức năng, thưa ông?
- Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên và là nguyên nhân chính đó là ý thức của người dân còn hạn chế. Người dân vẫn quan niệm tiền của doanh nghiệp bảo hiểm là “tiền chùa”. Nếu thực hiện hành vi gian lận bảo hiểm trót lọt, một người dân bình thường có thể kiếm được từ vài triệu đồng đến hàng tỷ đồng từ doanh nghiệp bảo hiểm. Khoản lợi lớn này đã khiến nhiều người mờ mắt và tính toán để tìm cách trục lợi.
Người dân cũng thường hay truyền tai nhau, nếu một người có thể thực hiện trót lọt được một vụ thì sẽ truyền “kinh nghiệm” ấy cho những người quen được biết. Do đó, mới xuất hiện tình trạng cả làng hay cả 1 cơ quan cùng có những hồ sơ bệnh án, yêu cầu trả tiền bảo hiểm tương tự nhau. Ngoài ra, lợi dụng lòng tham và ý thức hạn chế của người tham gia bảo hiểm, có trường hợp chính cán bộ, đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm xúi giục khách hàng, “vẽ đường” để khách hàng trục lợi sau đó tiến hành ăn chia.
Ngày nay, khi công nghệ càng cao, thông tin càng nhiều thì họ càng nghĩ ra được những cách khác nhau để nhằm qua mắt các doanh nghiệp bảo hiểm. Một người có thể tìm kiếm trên mạng để tìm hiểu những cách thức trục lợi bảo hiểm, thậm chí có cả những diễn đàn về ô tô có những chủ đề chia sẻ làm cách nào qua mặt được doanh nghiệp bảo hiểm.
Ở một số nước tiên tiến, ngoài hình phạt mà Nhà nước đưa ra, khi một người tham gia bảo hiểm có hành vi trục lợi, các doanh nghiệp đều chia sẻ thông tin lẫn nhau nên gần như khách hàng đó sẽ thuộc vào “danh sách đen” của toàn ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, ở nước ta việc chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) còn hạn chế (do công nghệ còn lạc hâu, cơ sở dữ liệu khách hàng chưa đầy đủ, do yếu tố cạnh tranh giữa các DNBH…) nên một khách hàng có thể có hành vi trục lợi, bị doanh nghiệp này phát hiện không bán bảo hiểm nữa nhưng lại có thể ung dung sang doanh nghiệp khác và lại tiếp tục trục lợi.
Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân khác như: khả năng kiểm soát trục lợi của DNBH còn hạn chế; phạm vi hoạt động của DNBH là trên khắp cả nước nên nhiều vụ việc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, ngoài khơi khó xác thực; các cơ quan chức năng trong nhiều trường hợp chưa hợp tác chặt chẽ cùng DNBH liên quan đến việc xác minh, cung cấp hồ sơ, thông tin…
Chia sẻ thông tin rủi ro - chìa khóa hạn chế rủi ro
Thưa ông, trước tình trạng trên, Hiệp hội Bảo hiểm cũng như các công ty đã có biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng TLBH?
- Để giảm thiểu các hành vi trục lợi nói trên, Hiệp hội cũng như các DNBH đã có một số biện pháp như: tuyên truyền về TLBH: thông qua các bài viết đăng trên báo giấy, báo mạng; các buổi trả lời phỏng vấn phát thanh, truyền hình nhằm nâng cao ý thức người dân, phê phán hành vi TLBH.
Cùng với đó, Hiệp hội cũng thường xuyên khuyến cáo các DNBH thắt chặt và nâng cao các quy trình nghiệp vụ, kiểm soát nội bộ, rà soát lại các quy tắc, điều khoản hợp đồng nhằm hạn chế những lỗ hổng có thể dẫn tới TLBH.
Hiệp hội yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ thông tin về những vụ TLBH của khách hàng (chia sẻ giữa doanh nghiệp với nhau hoặc thông qua kênh Hiệp hội bảo hiểm; có những biện pháp điều tra đánh giá rủi ro kỹ lưỡng hơn trước khi xem xét việc bảo hiểm cho những đối tượng khách hàng đã từng có những hành vi trục lợi hoặc nghi vấn TLBH.
Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thường xuyên phối hợp tổ chức những chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ, đào tạo giám định viên bảo hiểm để chất lượng đội ngũ giám định trở nên chuyên nghiệp hơn. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các khóa đào tạo giám định viên bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe.
Hiệp hội cũng có những chương trình hợp tác với các cơ quan chức năng (ví dụ như Cục Cảnh sát giao thông) để hỗ trợ DNBH hội viên trong việc điều tra xác minh các hồ sơ tai nạn có nghi ngờ TLBH.
Hiện nhiều công ty bảo hiểm kêu khổ trong việc thẩm định, xác định những hành vi TLBH. Họ cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng với công ty chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu quả. Ông đánh giá thế nào về ý kiến trên? Ông có đề xuất gì với cơ quan chức năng để hai bên phối hợp hiệu quả hơn?
- Đúng là hiện nay việc phối hợp giữa công ty bảo hiểm và các cơ quan chức năng trong nhiều trường hợp chưa thực sự nhịp nhàng, hiệu quả. Các DNBH gặp khó khăn trong việc tiếp cận các hồ sơ khám chữa bệnh của người được bảo hiểm tại các cơ sở y tế để xác minh các trường hợp nghi TLBH, chưa kể trường hợp đã có những cơ sở y tế tiếp tay cho người được bảo hiểm trục lợi như báo chí đã từng phản ánh. Trong khi đó, biên bản khám nghiệm hiện trường và kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố (tai nạn giao thông, các vụ cháy nổ…) nhiều trường hợp còn chung chung, khiến DNBH khó khăn trong công tác giải quyết bồi thường cho khách hàng, dẫn đến những tranh chấp…
Để sự phối hợp giữa ngành bảo hiểm và các cơ quan chức năng liên quan được hiệu quả, tôi có một số đề xuất sau: thứ nhất, Chính phủ nên xem xét việc cho phép cơ quan Bảo hiểm y tế Bảo hiểm xã hội có những hợp tác với các DNBH dưới hình thức cung cấp dịch vụ công có thu phí (ví dụ cung cấp dịch vụ thông tin, dữ liệu, dịch vụ giám định bảo hiểm…) theo yêu cầu của DNBH; thứ hai, các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính - là Bộ được giao quản lý ngành bảo hiểm và một số bộ liên quan khác như Bộ Y tế, Bộ Công an…) phối hợp với nhau để ban hành những văn bản hướng dẫn liên ngành quy định về trách nhiệm, chế độ cung cấp thông tin; trách nhiệm phối hợp điều tra các vụ án liên quan đến TLBH.
Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu việc thành lập bộ phận chức năng chuyên trách phòng chống TLBH thuộc cơ quan quản lý bảo hiểm (như mô hình ở một số nước phát triển); xem xét việc ban hành văn bản luật quy định về hoạt động của các tổ chức điều tra TLBH độc lập làm cơ sở để các tổ chức này được thành lập, hoạt động, góp phần vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu TLBH, vì sự phát triển chung của cộng đồng cũng như sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.