Không tố giác tội phạm mua bán người là phạm luật

 Trong quá trình xây dựng Dự án Luật phòng chống mua bán người, có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như bao che cho hành vi mua bán người, không tố giác tội phạm, trốn tránh khai báo; từ chối thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân.

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật phòng chống mua bán người, có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như bao che cho hành vi mua bán người, không tố giác tội phạm, trốn tránh khai báo; từ chối thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân.

Với tính chất là Luật chuyên ngành về phòng, chống mua bán người, nhiều ý kiến đồng tình dự thảo Luật cần quy định các hành vi bị nghiêm cấm, làm cơ sở xác định trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm và góp phần răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, vấn đề là  Bộ luật hình sự hiện hành đã quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai báo gian dối, từ chối khai báo và che giấu tội phạm.

Theo đó, bất kỳ người nào thực hiện các hành vi trên tùy theo đối tượng, tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc kỷ luật. Nhưng, việc không tố giác hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người có thể dẫn đến sự nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân do không giải cứu kịp thời; ảnh hưởng đến việc phát hiện và xử lý hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người, do đó, dự thảo Luật mới nhất đã bổ sung quy định không tố giác hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người là hành vi bị nghiêm cấm.

Cùng với các hành vi như chuyển giao người, hứa hẹn nhận tiền, tài sản trái quy định của pháp luật, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; môi giới… các hành vi bị nghiêm cấm theo dự thảo Luật nói trên bao gồm: trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người; tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc của người đại diện hợp pháp của nạn nhân; cản trở việc tố giác, khai báo và xử lý hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người; kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; giả mạo là nạn nhân; lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật và bao che, không tố giác hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người.

Các quy định nói trên trong điều kiện hiện nay là cần thiết nhằm tăng cường công tác giáo dục, phòng ngừa cũng như thiết lập một hành lang pháp lý cụ thể để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Việt Hòa

Đọc thêm