Không xử lý hàng lậu, gian lận thương mại: Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu

(PLVN) - Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, tuy còn nhiều khó khăn do thay đổi mô hình tổ chức, công tác kiện toàn các chức danh lãnh đạo chưa hoàn tất, kinh phí, trang thiết bị, biên chế còn thiếu thốn... nhưng toàn lực lượng này đã có  nhiều  nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao. 
6 tháng đầu năm 2019, QLTT đã chuyển cơ quan CSĐT 22 vụ việc để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật
6 tháng đầu năm 2019, QLTT đã chuyển cơ quan CSĐT 22 vụ việc để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật

Chuyển hơn 20 vụ việc sang cơ quan CSĐT 

Thời gian qua, Tổng cục QLTT đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch công tác như cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán; Kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng;...

Ở địa phương, các Cục QLTT đã kịp thời xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm; đã chú trọng công tác quản lý địa bàn, kịp thời kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; Xử lý các tổ chức, cá nhân đã thực hiện việc ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. 

Số liệu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng QLTT kiểm tra 67.998 vụ; phát hiện, xử lý 39.524 vụ; thu nộp ngân sách nhà nước 202,044 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 130 tỷ đồng và trị giá hàng tiêu hủy trên 54 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, Tổng cục QLTT đã chuyển 22 vụ việc sang cơ quan công an điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

Hàng hóa được phát hiện, bắt giữ chủ yếu là các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ điện gia dụng, mắt kính, đồng hồ, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em, điện thoại di động, hàng tiêu dùng thiết yếu, xe đạp điện, xe máy điện, phụ tùng xe mô tô, sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục Nhà nước cấm nhập khẩu... Đáng chú ý, gần đây tình trạng vận chuyển phế liệu, rác thải, quần áo đã qua sử dụng từ Campuchia vào Việt Nam với số lượng lớn đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ.

Sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây ra rất nhiều cho công tác kiểm tra, kiểm soát; Các đối tượng đầu nậu lại thông thuộc địa bàn, thường lợi dụng nhiều đường mòn, lối mở, chia nhỏ hàng hóa rồi mang, vác, cõng bộ qua biên giới, sau đó dùng xuồng máy, xe gắn máy vận chuyển sâu vào nội địa để tiêu thụ. 

Các đối tượng này thường kết lại thành từng nhóm có quy mô lớn và thường xuyên thay đổi luồng, tuyến vận chuyển, thời gian, địa điểm giao nhận hàng hóa để không tạo thành quy luật nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, chúng còn dùng nhiều biện pháp ngụy trang cất giấu hàng hóa trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng... phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe gắn máy hai bánh được “xoáy nòng”, các phương tiện như xe ô tô loại 4 chỗ, xe du lịch, xe tải, xe khách thiết kế hầm chứa hàng nhập lậu rất tinh vi, hiện đại, để lẫn lộn vào hành lý.

Ngoài ra, các phương tiện thường chạy với tốc độ cao, gây nguy hiểm và luôn có người theo sát lực lượng chống buôn lậu để đối phó và gây cản trở cho cơ quan kiểm tra. Việc giao nhận thường được tổ chức ở những khu vực vắng người có nhiều đường để tẩu thoát. Thậm chí, chúng không chứa hàng trong kho mà để ở những khoảng đất trống khi bị phát hiện thì sẵn sàng chống trả hoặc bỏ lại hàng hóa dễ dàng trốn thoát, có nhiều trường hợp các đối tượng bỏ cả phương tiện xe mô tô, nhằm trốn tránh việc xử lý của pháp luật. Diễn biến tập trung nhiều nhất tại các địa bàn giáp biên giới.

Trước những phương thức thủ đoạn và tổ chức đường dây mua bán tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng lậu ngày càng  tinh vi, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước, trong 6 tháng cuối năm phải nắm chắc diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.

Đồng thời sẽ kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân mà không có giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả.

Đọc thêm