-Thưa ông, hiện có rất nhiều quy định yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu khi thực hiện các thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực hộ tịch. Vậy công việc rà soát các quy định liên quan đến vấn đề này đã được thực hiện như thế nào?
Khoản 4 điều 38 Luật Cư trú có hiệu lực từ 1-7-2021 quy định: Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính.
Thực hiện trách nhiệm được giao, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã tiến hành rà soát 05 văn bản QPPL điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch đang có hiệu lực thi hành (Luật Hộ tịch, Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch; Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; Thông tư số 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP; Thông tư số 01 /2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định 87/2020/NĐ-CP). Kết quả rà soát cho thấy, quy định tại các văn bản QPPL này đã đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Cư trú 2020 liên quan đến việc hạn chế xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú và sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính.
Hiện, Cục cũng đang tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 04/2020/TT-BTP theo trình tự thủ tục rút gọn, bảo đảm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, theo đó, bãi bỏ nội dung “Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú” tại khoản 1 Điều 8 và điểm b khoản 3 Điều 9 quy định về đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ, giấy tờ cá nhân, đăng ký lại khai sinh (đây không phải là điều kiện thực hiện thủ tục (quy định tùy nghi) mà là một trong các cơ sở để xác định nội dung đăng ký khai sinh/đăng ký lại khai sinh, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền của người có yêu cầu, nhất là trong trường hợp họ không có các giấy tờ khác theo quy định).
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 01/2022/TT-BTP thì trường hợp người yêu cầu đăng ký hộ tịch đã cung cấp số định danh cá nhân thì không phải gửi kèm bản chụp giấy tờ chứng minh nơi cư trú trong hồ sơ đăng ký hộ tịch trực tuyến; cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm khai thác, sử dụng thông tin từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở số định danh cá nhân do người yêu cầu cung cấp.
Ngày 21/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, trong đó bãi bỏ cụm từ “trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú” tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Tóm lại, đến thời điểm hiện nay, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL điều chỉnh lĩnh vực hộ tịch để triển khai quy định về bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong đăng ký hộ tịch đã cơ bản hoàn tất, đáp ứng yêu cầu triển khai quy định của Luật cư trú.
-Vậy trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch có bao nhiêu thủ tục không yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu? Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, các quy trình đăng ký thực hiện có gì khác không?
Việc bỏ quy định về xuất trình sổ hộ khẩu, hạn chế yêu cầu cung cấp các giấy tờ chứng minh nơi cư trú làm điều kiện thực hiện TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết TTHC, trong đó có TTHC trong lĩnh vực hộ tịch.
Kết quả rà soát thống kê các TTHC trong lĩnh vực hộ tịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú hoặc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện thực hiện TTHC căn cứ theo mốc thời gian CSDLQGVDC được chính thức đi vào hoạt động (ngày 01/7/2021) cho thấy:
- Trước ngày 01/7/2021, có 36 TTHC trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước, thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp”, trong đó có 30 TTHC có yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy xác nhận thường trú giấy xác nhận tạm trú); 05 TTHC sử dụng thông tin về cư trú, không yêu cầu cá nộp, xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú, 01 TTHC không yêu cầu thông tin về nơi cư trú.
- Từ ngày 01/7/2021 đến nay, tất cả các TTHC trong lĩnh vực hộ tịch đều đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng không yêu cầu cá nhân nộp, xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2228/QĐ-BTP ngày 14/11/2022 công bố thủ tục hành chính mới ban hành; thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, theo đó, khi đăng ký hộ tịch, người yêu cầu không phải xuất trình Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Để triển khai thống nhất, đồng bộ quy định của Luật cư trú về việc không sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an đã có hướng dẫn 07 phương thức sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú khi thực hiện TTHC, giao dịch dân sự. Do đó, kể từ ngày 01/01/2023, các cơ quan, tổ chức và người dân sẽ sử dụng các phương thức này để khai thác/chứng minh thông tin về nơi cư trú khi thực hiện TTHC. Liên quan đến vấn đề này, Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) đã chỉ đạo Sở Tư pháp các tỉnh/thành phố hướng dẫn cơ quan đăng ký hộ tịch thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Công an.
-Thưa ông, việc thực hiện Đề án 06, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đã được kết nối chia sẻ như thế nào?
Để thực hiện tốt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022), Cục đã chủ động ban hành công văn hướng dẫn UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện tái cấu trúc các quy trình đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn theo hướng khai thác các trường thông tin của công dân có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để thay thế việc xuất trình các giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú khi thực hiện TTHC.
Hiện nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với hơn 58 triệu dữ liệu hộ tịch các loại về cơ bản đang được khai thác, sử dụng hiệu quả. Các dữ liệu hộ tịch trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (Bộ Tư pháp) đã sẵn sàng chia sẻ, kết nối cho các CSDL khác, trong đó có CSDLQG về dân cư.
Thời gian tới, thực hiện Dự án đầu tư công trung hạn, Bộ Tư pháp sẽ nâng cấp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để đáp ứng yêu cầu về đăng ký trực tuyến, chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác một cách tốt hơn, phục vụ yêu cầu của người dân.
-Trân trọng cám ơn ông!