Khu đô thị phải có hệ thống thoát nước riêng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đây là một trong những yêu cầu đặt ra tại dự thảo thông tư của Bộ Xây dựng quy định về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung đang trình lấy ý kiến nhân dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo dự thảo thông tư, việc quản lý đấu nối giữa khu đô thị (KĐT) hiện hữu và KĐT mới phải đạt được một trong những tiêu chí bắt buộc như sau: KĐT mới phải áp dụng hệ thống thoát nước riêng để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải.

Khi xây dựng hệ thống thoát nước cho khu vực phát triển mới của đô thị không được làm ảnh hưởng tới khả năng thoát nước của khu vực hiện hữu (kiểm tra khả năng thoát nước của hệ thống trước khi thỏa thuận đấu nối).

Đối với công trình xả nước thải sau xử lý ra nguồn tiếp nhận phải có: hệ thống xử lý nước thải được giám sát liên tục và đầy đủ trong quá trình quản lý vận hành. Khuyến khích ứng dụng hệ thống giám sát tự động. Sau khi xử lý đạt quy chuẩn môi trường, nước thải phải qua giếng kiểm tra lắp đặt tại vị trí thuận lợi để tiếp cận và lấy mẫu trước nguồn tiếp nhận.

Cống xả nước thải vào nguồn tiếp nhận phải đặt ngập trong nước, ở vị trí phù hợp để nước thải xáo trộn với nước nguồn tiếp nhận và không gây xói lở bờ, không ảnh hưởng đến các công trình, hoạt động giao thông trên thủy vực.

Về việc thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu phải đạt được yêu cầu: các khu vực đã có mạng lưới thoát nước chung chưa có xử lý nước thải phải được đầu tư, nâng cấp, cải tạo thành hệ thống thoát nước riêng hoặc xây dựng các giếng tràn nước mưa, các tuyến cống bao hoặc cống gom để thu gom, vận chuyển nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung.

UBND các cấp lập kế hoạch và lộ trình cụ thể đầu tư xây dựng hệ thống thu gom riêng nước mưa và hệ thống thu gom, xử lý nước thải cần phù hợp quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu xây dụng và quy hoạch chuyên ngành thoát nước theo từng lưu vực.

Về thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung mới: các khu vực xây dựng mới phải xây dựng hệ thống thoát nước riêng cho nước mưa và nước thải. Công trình thu gom, xử lý nước thải phải có đủ công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải theo tính toán trong điều kiện bình thường, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận nước thải được thu gom thông qua hệ thống thoát nước gồm đấu nối hộ thoát nước, mạng lưới cống thu gom (cống cấp 3), cống chính, cống nhánh khu vực (cống cấp 2), cống chính, cống gom, cống bao, kênh, mương lưu vực (cống cấp 1) và các công trình trên mạng (hố ga, giếng thăm, trạm bơm, …). Nước thải sản xuất phải được xử lý phù hợp trước khi xả vào hệ thống thoát nước.

Đối với hệ thống thoát nước chung phải có giải pháp điều tiết nước mưa bằng hồ điều hòa. Nước mưa khi xả vào hồ điều hòa phải qua giếng tràn nước mưa. Việc trữ nước của hồ và tháo cạn đến mực nước chết phải tuân theo quy trình kỹ thuật để phát huy chức năng điều tiết và đảm bảo yêu cầu cảnh quan sinh thái của hồ.

Việc khai thác hồ điều hòa vào mục đích vui chơi giải trí, du lịch dịch vụ, nuôi trồng thủy sản… không được ảnh hưởng đến khả năng điều tiết của hồ, không làm thay đổi quy trình vận hành hồ theo nhiệm vụ điều tiết nước mưa.

Việc khai thác các mục đích trên phải thỏa thuận với chủ sở hữu thoát nước và phải được cấp có thẩm quyền cho phép; quá trình khai thác phải luôn kiểm tra, giám sát theo các quy định của pháp luật. Định kỳ phải nạo vét đáy hồ, vệ sinh lòng hồ, bờ hồ.

Về cải tạo đường ống thoát nước trong đô thị, Nhà nước khuyến khích sử dụng biện pháp thi công không đào hở cống thoát nước chính và khôi phục tuyến cống chính, cống cấp 1 cũ trong đô thị đối với các đô thị có mật độ giao thông lớn.

Việc xây dựng cải tạo và phát triển hệ thống thoát nước phải đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo kết nối giữa đấu nối hộ thoát nước, mạng lưới cống cấp 3, mạng lưới cống cấp 2, mạng lưới cống cấp 1 và các công trình trên hệ thống thoát nước.

Hộp đấu nối vào mạng lưới cống thoát nước phải được lắp đặt cố định theo điều kiện cụ thể tại khu vực đấu nối nhằm bảo đảm ổn định, an toàn cho điểm đấu nối, đồng thời thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát, bảo dưỡng khi cần thiết, tránh rò rỉ nước thải.

Về trách nhiệm quản lý tại địa phương: chủ sở hữu, chủ đầu tư hệ thống thoát nước phải duy trì thông tin công trình trong hệ thống thoát nước và thông tin bảo trì mới nhất của hệ thống thoát nước bằng cách thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thoát nước bên cạnh với lưu trữ hồ sơ giấy.

Hệ thống cơ sở dữ liệu nhằm giúp chủ sở hữu, chủ đầu tư hệ thống thoát nước và đơn vị thoát nước có thông tin chung về kiểm kê công trình, lịch sử bảo trì, lập kế hoạch kiểm tra.

Đọc thêm