Khu tưởng niệm Bác Hồ của vị cựu binh già

(PLVN) - Ông Bùi Xuân Phước (SN 1935, thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã dành phần lớn gia sản của mình để xây dựng “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh”, mở cửa đón khách tham quan miễn phí.
Ông Phước chụp ảnh dưới chân tượng đài Bác Hồ trong khu tưởng niệm.
Ông Phước chụp ảnh dưới chân tượng đài Bác Hồ trong khu tưởng niệm.

Ông chủ bảo tàng kiêm hướng dẫn viên

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Bùi Xuân Phước tọa lạc tại thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, nằm trên con đường từ TL3 vào khu di tích lịch sử - căn cứ địa Đồng Bò. Đi qua cổng chào với hàng chữ “Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – gia đình bác Bùi Xuân Phước”, chúng tôi bước vào một khuôn viên rộng khoảng 2.000m2, khang trang với bờ tường rào bao quanh được xây dựng với họa tiết hoa văn hình chim lạc, trống đồng. 

Khu tưởng niệm do ông Phước làm chủ kiêm hướng dẫn viên. Đưa khách đi thăm quan một vòng, lão cựu chiến binh giới thiệu tỉ mỉ cách thiết kế, bài trí không gian do chính ông thực hiện. Hai bên khu tưởng niệm được ông trồng nhiều cây xanh có tên là “dãy Trường Sơn” có tượng đài, ghi công, tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng.

Nổi bật giữa khuôn viên là khu vực “Cột 79 mùa xuân tưới mát cho đời” với tượng Bác Hồ đứng trên đóa sen hồng. Tiếp đến trung tâm của khu tưởng niệm là Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày các hiện vật do ông sưu tầm được.

Khu tưởng niệm luôn thu hút đông đảo du khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ
Khu tưởng niệm luôn thu hút đông đảo du khách tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ 

Bước vào khu bảo tàng, chúng tôi thực sự khâm phục ông bởi hàng trăm hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh được sắp xếp bài trí một cách khoa học, cẩn thận đặt trong tủ kính. Bảo tàng được ông chia thành nhiều không gian khác nhau, mỗi không gian thể hiện một giai đoạn cuộc đời của Bác: Tuổi thơ, 30 năm bôn ba nước ngoài, giai đoạn 30-45… Mỗi giai đoạn là hàng chục hình ảnh, đồ vật phục chế khắc họa nên con người Bác.

Theo ông Phước, hiện bảo tàng của ông có gần 150 hiện vật tư liệu, hình ảnh, hiện vật… do chính ông sưu tầm, phục chế từ hiện vật gốc và được các cơ quan, tổ chức trong cả nước trao tặng. Khu bảo tàng đẹp đẽ, công phu là vậy nhưng ông Phước không hề thu phí khách đến tham quan. Bất chợt, chúng tôi hỏi bác Phước hiện giờ ở đâu. Ông cười tươi rồi chỉ về ngôi nhà nhỏ phía góc vườn: Đấy, nhà tôi đấy, ở đây vừa tiện làm việc, chăm sóc, hướng dẫn khách luôn. Mà tôi chỉ có miếng đất cắm dùi này thôi.

Kính yêu Bác Hồ như yêu Tổ quốc

Ông Bùi Xuân Phước quê gốc ở Đà Nẵng nhưng cuộc đời ông từ lúc lọt lòng đã bôn ba khắp Quy Nhơn, Phú Yên theo cha mẹ mưu sinh. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, hoạt động trong trường thiếu sinh quân rồi tham gia kháng chiến trong đội hình Sư đoàn 305 dù - đặc công. Năm 1961, ông ra Bắc tập kết, theo học Trường Lý luận và nghiệp vụ thuộc Bộ Văn hóa, rồi công tác tại Nhà bảo tàng Hải Phòng. Năm 1968, sau 3 lần viết đơn tình nguyện, ông Phước được vào Nam, tham gia chiến đấu tại Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 141, hoạt động tại khu vực Quảng Đà. 

Ông chủ bảo tàng Bùi Xuân Phước kiêm hướng dẫn viên đang giới thiệu về chiếc áo kaki và đôi dép cao su giản dị của Bác kính yêu
Ông chủ bảo tàng Bùi Xuân Phước kiêm hướng dẫn viên đang giới thiệu về chiếc áo kaki và đôi dép cao su giản dị của Bác kính yêu 

Năm 1970, do sức khỏe suy yếu nặng, ông được chuyển ra Hà Nội điều trị rồi được đưa về đơn vị cũ công tác. Từ năm 1976, ông công tác tại Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (cũ) và năm 1989 giữ cương vị Giám đốc Bảo tàng Phú Yên. 

Quá trình tham gia cách mạng cũng như những năm tháng công tác tại bảo tàng đã hun đúc trong trái tim ông tình yêu và niềm tự hào về Bác Hồ, về Đảng, về Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh, con đường hoạt động cách mạng của Bác cũng thể hiện được hình ảnh của Đảng và Tổ quốc. Bởi vậy ông ấp ủ xây dựng một bảo tàng về Bác của riêng mình, từ đó lan tỏa lòng kính yêu và niềm tự hào về lãnh tụ Hồ Chí Minh tới mọi người. 

Năm 1995, ông Phước được nhà nước cho nghỉ chế độ. Ông chọn khu đất hiện nay nhưng nghẹt nỗi mua xong không còn tiền xây dựng các hạng mục của khu tưởng niệm. Thế là, dù bước qua tuổi 63 nhưng vẫn cùng vợ lái chiếc xe máy Citi 100 rong ruổi ra Bắc vào Nam tìm đồng đội, trình bày ý nguyện và đặt vấn đề mượn tiền để thực hiện công trình Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh. Quá trình xây dựng công trình, do thiếu vốn đầu tư nên ông Phước quyết định bán ngôi nhà ở trung tâm TP Nha Trang lấy tiền xây.

Khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Phước hiện có gần 150 hiện vật tư liệu, hình ảnh, hiện vật...
Khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Phước hiện có gần 150 hiện vật tư liệu, hình ảnh, hiện vật...

Đến năm 2002, ông Phước hoàn thành công trình đầu tiên của khu tưởng niệm, đền thờ Bác Hồ. Tiếc thay, không lâu sau thì vợ ông qua đời. Nén nỗi đau, ông dồn hết tâm sức hoàn thiện khu tưởng niệm. Vẫn cần tiền để xây dựng các công trình như: Nhà tiền chế, khu sinh hoạt cộng đồng, phòng đọc sách về Bác... nên ông  lại quyết định xin lại mảnh đất đã cho người con gái út để đem bán lấy tiền đầu tư vào công trình tâm nguyện của cuộc đời mình. 

Để có người chia sẻ lúc tuổi già, vài năm sau, ông Phước nối duyên với bà Nguyễn Thị Nga. Ông Phước nói rằng ông may mắn vì được cả hai người vợ đều có chung lý tưởng, lòng kính yêu Bác Hồ và hết lòng ủng hộ ông xây dựng khu tưởng niệm. Không chỉ phụ giúp ông xây dựng, bà Nga đã cùng ông đi nhiều nơi sưu tầm những tư liệu quý về Bác Hồ. Đến năm 2010, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Phước chính thức khánh thành với các tư liệu, hiện vật đã đủ khái quát những điểm son về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.

Nằm cách TP Nha Trang hơn 10km nhưng Khu tưởng niệm Hồ Chí Minh của ông Phước luôn thu hút khá đông du khách và các em học sinh địa phương đến tham quan. Nhiều bà con, du khách gần xa có tư liệu, hiện vật quý về Bác, cảm kích trước tấm lòng ông Phước đã trao tặng cho Khu tưởng niệm. Đặc biệt, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trao tặng Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu tưởng niệm do ông Phước xây dựng./.

Đọc thêm