Những “bông hồng thép” Hà Nội
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh khẳng định, sau 50 năm nhìn lại, chúng ta càng tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Đó là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta. Chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc ta. Đó là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm, tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ.
Bà Lê Kim Anh nhấn mạnh, góp công vào chiến thắng chung của quân dân Hà Nội có sự cống hiến, hy sinh của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô. Trong những ngày tháng ác liệt của tháng 12/1972, hàng ngàn tấm gương sáng ngời, những “bông hồng thép” của phụ nữ Thủ đô đã ghi dấu chiến công thầm lặng trong sản xuất, bảo vệ sản xuất, trong chiến đấu, cứu thương, cứu hỏa, cứu sập hầm; cưu mang, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống…
Quyết tâm đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 45% phụ nữ đã tham gia vào lực lượng dân quân, 35% vào lực lượng tự vệ biên chế thành 117 trung đội và một đại đội toàn nữ. Các Chi hội phụ nữ đường phố đã thành lập 275 tổ phục vụ chiến đấu. Tiêu biểu như Đại đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh), Trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8/3, Đại đội nữ Hợp tác xã dệt Thành Công, Đại đội 3 Nhà máy thực phẩm xuất khẩu… Được chuẩn bị về tinh thần và tư tưởng, chị em cùng anh em lực lượng bán vũ trang đã chuyên cần luyện tập, cùng với lực lượng phòng không tạo nên “tọa độ lửa” bảo vệ Thủ đô…
Tại Chương trình, bà Chu Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ, bà đã trực tiếp chỉ đạo nhân dân địa phương thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ cuộc chiến đấu. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 đó, Cổ Loa trải qua 6 trận đánh. Nặng nề hơn cả là trận bom đêm 26/12 trút xuống Cổ Loa, hơn 100 người mất, 90 người bị thương. Bà Tình nói, thời chiến tranh, trong xã chủ yếu chỉ còn phụ nữ, ngay trong đêm ấy, đường đi trời tối, đất đá bị xới tung, cây cối ngổn ngang, bà cùng các nữ dân quân khác phải vượt nhiều khó khăn mới lên được trận địa. Lên tới nơi, xã đội trưởng đã hy sinh. Một số gia đình đào hầm bị sập, thay nhau nằm xoài ra cào đất để tìm người thân. Có hầm tìm được hai mẹ con, trong đó người mẹ đã chết để che chắn cho con… Cứ như vậy suốt một tuần. Sau đó, họ đang làm nhiệm vụ thì được điều động lên ga Yên Viên giải tỏa hàng hóa…
Bà Tịnh cho biết, 50 năm trước họ là những nữ dân quân tuổi 20 bước vào cuộc chiến với tinh thần rất lớn. “Lý do chiến thắng đêm 25 rạng ngày 26 là tất cả chúng tôi được trang bị đầy đủ về tinh thần quyết chiến, động lực không có gì quý hơn độc lập tự do. Chúng tôi biến yêu thương thành hành động, chúng tôi không sợ hy sinh. Chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ”.
Bà Chu Thị Tịnh đã vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu Chiến thắng B52, Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước...
Trong câu chuyện của bà Trần Thị Bảy, nguyên Chi hội trưởng phụ nữ, dân quân trực chiến trực tiếp tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân (Hà Nội), hình ảnh về một Hà Nội năm ấy hiện ra đầy hiên ngang, bất khuất bước vào cuộc chiến sinh tử 12 ngày đêm với tinh thần yêu nước sục sôi. Trong đó, những người phụ nữ vốn được coi là “chân yếu, tay mềm” đã gan dạ, kiên cường, dũng cảm trực tiếp tham gia chiến đấu với kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội.
|
Hình ảnh tại Bảo tàng Chiến thắng B-52. |
Hai cô gái trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa”
Còn bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, chỉ nặng khoảng 45kg, sức khỏe không tốt nhưng vẫn vác quả đạn 100 ly nặng hơn 40kg trên vai băng băng trên trận địa. Bà cũng là người đã điều khiển khẩu 14,5 ly bắn rơi tại chỗ máy bay F111 - loại máy bay “cánh cụp, cánh xòe” hiện đại bậc nhất lúc đó vào đêm 22/12/1972.
Điều đặc biệt, bà Viễn chính là người được nhắc đến trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu trong dịp thăm trận địa năm đó. “...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/Hỡi em gái mất cha mất mẹ/Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ…”.
Nửa thế kỷ trước, cô gái Phạm Thị Viễn đã mất cả cha lẫn mẹ bởi bom Mỹ. Trong những ngày tháng khốc liệt đó, nghe tin nhà bị ném bom, cô về chỉ tìm được một phần thân thể của cha cách căn hầm trú ẩn trong vườn vài mét. Sau khi cùng anh chị em trong nhà lo hậu sự cho cha, cô lại tiếp tục quay trở lại trận địa với vành khăn tang đau thương. Mẹ cô đã mất trước đó vào năm 1967 cũng do bom bi của Mỹ trên đường bà đi chợ…
Ngày nay, hồ Ngọc Hà hay còn gọi là hồ Hữu Tiệp luôn là niềm tự hào của người dân làng hoa Ngọc Hà, biểu tượng của chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. 50 năm trôi qua, xác pháo đài bay B-52 vẫn nằm giữa lòng hồ, có khác chăng nay trên nó mọc lên một cây lộc vừng xanh ngát như khát vọng hòa bình và là khúc tráng ca năm xưa in đậm trong lòng người Hà Nội.
Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà năm xưa đang lấy nước tưới cho luống hoa, phía sau là xác chiếc B-52 được trưng bày trong Bảo tàng Chiến thắng B-52 đã, đang và sẽ mãi là hình ảnh đẹp, khắc họa một thời đạn bom, khói lửa - một thời hòa bình.
Cô gái tưới hoa ngày ấy là bà Nguyễn Thị Hoan, một người dân sống ở làng hoa Ngọc Hà, bên hồ Hữu Tiệp. Kể lại khoảnh khắc ấy, bà Hoan cho biết, đêm 27/12, Mỹ cắt bom rải thảm xuống Hà Nội. Sáng ngày 28/12, quang cảnh làng hoa Ngọc Hà tan hoang, nhưng những luống hoa bên hồ Hữu Tiệp vẫn kiên cường bám trụ trên đất, nở hoa trong bom rơi. Nhiều người dân đã đi sơ tán nhưng bà Hoan vẫn bám trụ lại ở làng. Sáng hôm ấy bà tưới hoa và cắt hoa mang ra phố bán, như không hề có chiến tranh.
Không như nhiều người vẫn nghĩ bức ảnh đó được chụp vào năm 1979, mà theo bà Hoan, đó là bức ảnh được chụp ngay vào sáng ngày 28/12/1972, sau trận oanh tạc lịch sử đêm 27/12/1972.
“Lúc đó, có nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Bảo và nhiều nhiếp ảnh nước ngoài đến, khi thấy tôi tưới hoa bèn xin chụp ảnh. Bức ảnh đã được giải trong cuộc thi ảnh thế giới và được nhiều người biết đến vào năm 1979 với chủ đề “Bom rơi nhưng hoa vẫn phải tươi”, bà Hoan chia sẻ.
Bức ảnh cũng là niềm tự hào của bà trong suốt 50 năm qua. Đó cũng là một “biểu tượng” về tinh thần lạc quan, ý chí quyết chiến, bám trụ với Thủ đô của những người con Hà Nội.
Những câu thơ trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu viết năm 1973 vang lên khắp phố phường Thủ đô và cả nước, nhắc nhở những đau thương mất mát đã qua và nhiệm vụ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, trong đó có nhắc đến làng hoa Ngọc Hà:
“Cả bốn biển hoan hô Hà Nội/ Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ/ Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi/ Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc”…
Thật tự hào, trong thử thách, cam go, những phẩm chất cao đẹp cùng sự hào hoa của người Hà Nội đã tỏa sáng kiêu hãnh, đưa Hà Nội trở thành Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hào hùng, vang dội
Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Thủ đô đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” hào hùng, vang dội, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng nhiều nhất máy bay B-52, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ, đồng thời làm chấn động dư luận thế giới.
Vào hồi 19 giờ 10 phút ngày 18/12/1972, hệ thống ra-đa của ta bắt được tín hiệu máy bay B-52 địch đầu tiên hướng về Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược. 19 giờ 15 phút, Bộ Tổng tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc. Cuộc chiến đấu chính thức bắt đầu.
Kết quả toàn chiến dịch, ta bắn rơi 81 máy bay các loại (trong đó có 34 B-52 và 5 F-111), diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, ta bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 B-52 và 2 F-111). Dư luận phương Tây gọi chiến thắng này là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Bản thân Tổng thống Mỹ Richard Nixon cũng thú nhận: “Mối lo lớn nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán đến từ trong nước cũng như ngoài nước như đã dự kiến mà là tầm quan trọng của những tổn thất bằng B-52”. (Trích Hồi ký Richard Nixon)