Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra danh mục bao gồm 12 điểm buộc phía Iran phải đáp ứng đầy đủ nếu muốn tránh bị Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại và tài chính mà ông Pompeo coi là “mạnh mẽ nhất trong lịch sử”. Đấy cũng là lần đầu tiên phía Mỹ bộc lộ rõ nét nhất chủ trương của Mỹ đối với Iran sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA.
Vì thoả thuận này không phải là thoả thuận song phương riêng giữa Mỹ và Iran nên việc Mỹ rút khỏi nó không có nghĩa là nó tức khắc không còn hiệu lực. Về lý thuyết và trên thực tế, JCPOA vẫn có thể được duy trì nếu những bên tham gia ký kết còn lại là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran vẫn tuân thủ.
Vì Mỹ không còn tham gia và lại trừng phạt Iran nên Iran hiện đã có lý do chính đáng để không tuân thủ thoả thuận nữa nếu muốn và khi ấy JCPOA sẽ không còn giá trị.
Phía Iran đáp trả lại Mỹ bằng cách đưa ra những điều kiện để tiếp tục thực hiện JCPOA, tức là không đặt điều kiện cho Mỹ mà cho những đối tác kia, cụ thể là cho Anh, Pháp và Đức nhân danh EU. Iran không đặt điều kiện cho Nga và Trung Quốc vì hai nước này vốn luôn ủng hộ Iran trong quá trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Đích thân Giáo chủ Khamenei của Iran làm điều ấy với việc đưa bảy điều kiện cho EU mà nội dung đều có ý bác bỏ những điều kiện của Mỹ.
Cách tiếp cận của Mỹ và Iran khác nhau nhưng trong thực chất thì hai bên đã bắt đầu một cuộc khẩu chiến khá đặc biệt với nhau. Phía Mỹ muốn đàm phán một thoả thuận mới thì Iran chủ ý duy trì thoả thuận cũ. Phía Mỹ nhằm vào Iran thì Iran nhằm vào EU.
Phía Mỹ muốn vứt bỏ thoả thuận cũ để xử lý tất cả những vấn đề khác liên quan đến Iran chứ không chỉ có vấn đề hạt nhân của Iran; thì Iran lại chỉ tập trung vào việc duy trì JCPOA. Phía Mỹ doạ Iran thì Iran doạ EU.
Khi Mỹ và Iran không còn dừng lại chỉ ở khẩu chiến, nguy cơ sẽ không chỉ có mỗi chuyện Iran khôi phục chương trình hạt nhân |
Phía Mỹ muốn trừng phạt Iran thì Iran nhằm vào lợi ích của EU với việc tiếp tục duy trì JCPOA. Phía Mỹ ép buộc EU phải theo Mỹ đối địch Iran thì Iran tìm cách phân rẽ EU với Mỹ. Phía Mỹ muốn xoá sổ JCPOA thì Iran ràng buộc EU vào trách nhiệm duy trì thoả thuận này.
Iran không thể chấp nhận 12 điều kiện của Mỹ như thế nào thì phía Mỹ cũng sẽ không chấp nhận bảy điều mà Giáo chủ Khamenei đã đưa ra cho EU và EU gặp khó khăn thật sự. Phía Mỹ chủ trương đàm phán cả về chương trình tên lửa của Iran và vai trò của Iran ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh; trong khi những điều này đã bị ông Khamenei kiên quyết bác bỏ.
EU cũng có ý định thúc ép Iran chấp nhận những điều này để đổi lấy nhượng bộ của Mỹ trên phương diện khác. Chính vì thế mà sự bác bỏ của Iran được thể hiện ở trong bảy điều kiện của Iran đối với EU.
Cả Mỹ lẫn Iran đều dùng kịch bản cuối cùng để cảnh báo và răn đe nhau. Đối với Mỹ, đó là trường hợp Iran không đáp ứng những điều kiện của Mỹ thì Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt đến mức Mỹ tin rằng kinh tế Iran sẽ sụp đổ và dân chúng ở Iran sẽ đứng lên lật đổ chính thể hiện tại. Đối với Iran, đó là trường hợp những yêu cầu của Iran không được đáp ứng thì Iran sẽ khôi phục chương trình hạt nhân.
Một khi Mỹ và Iran không còn dừng lại chỉ ở cuộc khẩu chiến mà lại chuyển sang đối đầu trên thực tế và trên thực địa ở khu vực thì sẽ không chỉ có mỗi chuyện Iran khôi phục chương trình hạt nhân mà sẽ còn những triển khai chiến lược nữa, những tập hợp lực lượng nữa của cả hai phía ở khu vực. Nguy cơ xung đột sẽ gia tăng và khu vực càng khó có thể có được an ninh và ổn định.
Iran đang đẩy EU vào tình thế rất khó xử. EU thật sự thành tâm mong muốn JCPOA được duy trì nhưng công bằng mà nói thì phải thấy khả năng của EU tác động tới Mỹ hiện rất hạn chế bởi chính quyền của ông Trump ở Mỹ đâu có coi trọng gì nhiều EU. Các cặp quan hệ song phương giữa Mỹ, EU và Iran hiện đang bị thách thức nghiêm trọng và diễn biến theo chiều hướng lành ít dữ nhiều.