Sau vụ trấn áp đẫm máu người biểu tình chống chính phủ ở Syria khiến khoảng 140 người thiệt mạng, tình hình tại nước này vẫn còn rất căng thẳng. Nhiều xe tăng của quân đội Syria tối 1/8 đã bắn vào một khu dân cư ở Hama, chỉ vài giờ sau một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).
“10 chiếc xe tăng vẫn đang bắn loạn xạ về phía Dawar Bilal, một khu dân cư ở ngoại ô Hama”, một binh lính tại hiện trường tuyên bố qua điện thoại. Trong khi đó, theo Abdel Karim Rihaoui, người đứng đầu Hội nhân quyền Syria, những tiếng nổ thậm chí còn được nghe thấy ở tất cả các khu thuộc Hama tối 1/8.
Theo thống kê của nhiều tổ chức bảo vệ quyền con người, quân đội và lực lượng an ninh Syria đã giết hại 100 người hôm 31/7 và 4 người hôm 1/8 tại Hama, cũng như 39 người tại các khu vực khác ở nước này. Không những vậy, một quan chức cấp cao của LHQ đã nhấn mạnh trong các cuộc thảo luận kín rằng, ngoài số người thiệt mạng, ước tính còn khoảng 3.000 mất tích và 12.000 người bị tống vào tù kể từ đầu các cuộc biểu tỉnh chống chính phủ hồi tháng 3.
Nằm cách Damas khoảng 210km về phía Bắc, thành phố Hama đã trở thành trung tâm của các cuộc biểu tình lớn chống Chính phủ Syria trong những tuần vừa qua. Kể từ đầu cuộc nổi dậy, chính quyền Syria cáo buộc “các nhóm vũ trang” và những “phần tử khủng bố” gây rối loạn ở nước này. Hồi năm 1982, nơi đây cũng từng xảy ra một cuộc trấn áp khiến 20.000 người chết.
Tại New York, Hội đồng Bảo an LHQ tối 1/8 đã bắt đầu tiến hành các cuộc tham vấn khẩn cấp về cuộc khủng hoảng ở Syria. Anh, Pháp, Đức và Bồ Đào Nha được sự ủng hộ của Mỹ hiện đang một lần nữa xem xét thúc đẩy việc thông qua một nghị quyết về Syria. Hiện vẫn còn những chia rẽ trong Hội đồng Bảo an về cách thức phản ứng đối với tình trạng bạo lực ở Syria, với các nước phương Tây đòi có hành động cứng rắn trong khi Nga và Trung Quốc dọa sẽ phủ quyết bất cứ nghị quyết chính thức nào.
Trước tình hình căng thẳng ở Syria, các cường quốc phương Tây tiếp tục cho rằng cần một tuyên bố cứng rắn đối với Syria. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ có thái độ ngập ngừng trong việc lên án Syria, đồng thời hối thúc Hội đồng Bảo an lên án tình trạng trấn áp đẫm máu nói trên. Về phần mình, sau khi thông báo về việc châu Âu có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt Damas, Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cũng khẳng định: “Đã đến lúc Hội đồng Bảo an đưa ra quan điểm rõ ràng về sự cần thiết kết thúc bạo lực” ở nước này.
Ngoại trưởng Anh William Hague thì đề nghị “tăng cường sức ép quốc tế” đối với Syria đồng thời bác bỏ khả năng hành động quân sự dưới sự bảo trợ của LHQ. Trong khi đó, Tổ chức Ân Xá quốc tế kêu gọi LHQ áp dụng ngay lập tức các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng trấn áp: cấm vận vũ khí, phong tỏa tài sản của ông Assad và của các quan chức khác bị tình nghi là tội phạm chống nhân loại bị đưa ra trước Tòa án Hình sự quốc tế.
Trong số những nước thân cận nhất với Syria, Nga đã kêu gọi Chính phủ Syria và phe đối lập “thôi tập trung và trấn áp”, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ thì lên án các vụ bạo lực và kêu gọi chính quyền cam kết thực hiện cải cách để tránh “quốc tế hóa” cuộc khủng hoảng.
Phúc Lợi (theo AFP, BBC)